1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Còn 7,5% học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế

(Dân trí) - “Tới thời điểm hiện nay, tỉ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5%. Còn khoảng 7,5% học sinh, sinh viên chưa tham gia, tập trung chủ yếu vào sinh viên từ năm thứ 2 trở đi”.

pham luong son

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, trao đổi tại Toạ đàm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trong học sinh, sinh viên. Chương trình do BHXH VN, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 13/12 tại Hà Nội.

Theo đại diện BHXH VN, đến hết 31/10, số người tham gia BHYT là 79,73 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 85,3% dân số. Trong nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT có nhóm học sinh, sinh viên.

“Là công dân thì dù có làm việc ở lĩnh vực nào cũng cần tôn trọng pháp luật. Việc tham gia BHXH, BHYT là điều đã được Luật hóa, quy định trong Luật BHXH và Luật BHYT. Trong Luật BHYT quy định, học sinh, sinh viên thuộc diện bắt buộc phải tham gia” - ông Phạm Lương Sơn giải thích thêm.

Theo khảo sát của BHXH VN, tình trạng vẫn còn tới 7,5% học sinh sinh viên chưa tham gia BHYT. Một trong những nguyên nhân chính khiến sinh viên chưa tham gia BHYT là sự chủ quan, cho rằng tuổi trẻ sẽ ít có khả năng bị ốm đau, bệnh tật.

Ông Phạm Lương Sơn hy vọng, các bạn sinh viên sẽ nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện luật, trước mắt là Luật BHYT và sau này là Luật BHXH. Đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng một chính sách nhân văn, qua đó xây dựng một đất nước công bằng, văn minh.

Đồng quan điểm với đại diện BHXH VN tại Toạ đàm, GS. TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, cho rằng chính sách BHYT gắn chặt với thực tiễn của cuộc sống và là kênh hỗ trợ đắc lực khi người dân gặp bệnh tật.

GS. TS Phạm Quang Minh dẫn chứng câu chuyện về một người bạn cùng khi du học ở Đức không tham gia BHYT vì muốn tiết kiệm tiền. Nhưng khi bị đau răng, người bạn đó phải vào viện và chịu chi phí đắt đỏ. Do chưa tham gia BHYT nên không đủ tiền thanh toán viện phí, cũng may khi đó có sự giúp đỡ của các thầy cô và bạn bè.

“Qua câu chuyện này, các bạn sinh viên cần lưu ý, ốm đau và bệnh tật có thể đến với bất kỳ ai, dù người đó đang ở tuổi thanh niên khỏe mạnh. Do vậy, việc tham gia BHYT là sự bảo đảm tốt nhất cho bản thân, gia đình và chia sẻ với cộng đồng xã hội” - GS.TS Phạm Quang Minh nói.

Cũng tại Toạ đàm, nhiều ý kiến của sinh viên thắc mắc về mức giá tham gia BHYT, sự khác biệt của giá trị thanh toán khi người có thẻ BHYT đi khám đúng tuyến và trái tuyến, phân biệt đối tượng tham gia thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên và thẻ BHYT của nhóm hộ gia đình…Những câu hỏi này đã được chuyên gia BHXH VN giải thích cụ thể.

“Chính sách BHXH, BHYT của Nhà nước ta được xây dựng để bảo đảm bảo vệ con người trong suốt cả cuộc đời. Khi mới sinh ra được cấp thẻ BHYT miễn phí; học sinh, sinh viên được hỗ trợ tham gia BHYT; khi trưởng thành, người lao động tham gia BHXH, được hưởng trợ cấp khi ốm đau, thai sản, thất nghiệp và được hưởng lương hưu khi về già” - ông Phạm Lương Sơn nói.​

Chức Vũ