Có nên giữ hai “cần câu cơm”?
(Dân trí) - Giá cả leo thang khiến không ít dân công sở chọn giải pháp kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thu nhập có được từ “cần câu cơm” phụ này chưa chắc đã đáng “đồng tiền bát gạo” mà bạn bỏ ra.
Nếu việc làm thêm lấy đi phần nhiều thời gian của bạn vào cuối ngày hoặc cuối tuần và điều này đồng nghĩa với việc bạn phải thuê thêm người giúp việc thì số tiền bạn kiếm thêm cũng chẳng còn “bỏ bèn” gì. Chẳng hạn, nếu bạn có thể kiếm thêm được 2 triệu mỗi tháng nhưng phải chi khoảng 500.000 cho người giúp việc theo giờ thì bạn nên cân nhắc lại, vì đó là chưa kể tâm trí bạn không yên do lo lắng về chất lượng và độ tin cậy của người giúp việc cũng như sự thích nghi của con bạn với sự chăm sóc từ người lạ.
Nếu việc làm thêm đòi hỏi bạn phải đi nhiều hoặc chỗ làm thứ hai ở quá xa, bạn cần suy xét lượng thời gian bỏ ra để di chuyển qua lại giữa các nơi, chưa kể chi phí xăng xe (nếu bạn đi xe riêng) hoặc tiền vé (nếu bạn đi xe buýt) và liệu sức khỏe của bạn có bị ảnh hưởng hay không?
Chi phí cơ hội ở đây tức là những thứ bạn cần bỏ qua hoặc đánh đổi để duy trì công việc làm thêm. Chẳng hạn, sau buổi làm việc chính thức, bạn phải vội vã về nhà, ăn tạm bợ chút gì cho bữa tối rồi lại vắt chân lên cổ vào công việc thứ hai. Những công việc nhẹ nhàng hơn như dịch thuật hay viết báo đôi khi lấy mất của bạn thời gian rỗi cuối tuần của bạn. Chi phí cơ hội ở đây có thể là những giờ đi chơi với bạn bè, thời gian dành chăm sóc gia đình, những khoảnh khắc thư giãn hoặc các cơ hội học tập, bổ sung kiến thức...
Bạn cũng cần lưu tâm về nghĩa vụ thuế khi nhận công việc làm thêm. Một số vần đề cần suy xét như: bạn sẽ được trả tiền mặt hay chuyển khoản? Nghĩa vụ thuế như thế nào, có tách biệt với thu nhập chính thức? Chỗ làm thêm sẽ phụ trách khai và đóng thuế cho bạn hay bạn phải tự làm? Bạn có bị áp mức thuế cao hơn do tổng thu nhập cao hơn?
Nhiều công ty có quy định rất rõ ràng về việc nhân viên làm thêm bên ngoài, thường là không khuyến khích và tán thành. Điều này dễ hiểu vì đảm nhận hai công việc cùng lúc khiến nhân viên kém tập trung và có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả chung. Do đó, một điều lưu ý nữa là bạn cần cẩn trọng không để đồng nghiệp và sếp phát hiện nếu vẫn quyết định giữ hai “cần câu cơm” . Và đừng bao giờ đặt nguồn thu nhập chính vào vùng rủi ro vì không thể phân bố thời gian và năng lượng hợp lý.