Cơ hội vàng: Rất hiếm?
Dư luận đang quan tâm đến việc TS Nguyễn Bá Hải ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chỉ sau 10 phút trình bày vào sáng 11-9, đã thuyết phục được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra quyết định đầu tư kinh phí để anh sản xuất kính cho người khiếm thị.
Trên các diễn đàn mạng, nhiều người ví đấy là 10 phút “sinh tử” và là cơ may có một không hai của TS Hải.
Nói thế cũng không quá lời vì suốt 14 năm qua, TS Hải đã quá vất vả với công trình, thậm chí từng nghĩ đến việc bỏ nghiên cứu để làm gì đó kiếm sống. TS mua 4 xe máy về để thử nghiệm, do túng thiếu, giờ đã bán hết. Thế mà chỉ sau 10 phút anh đã có cơ hội sản xuất bằng sự bảo đảm kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Thực ra, TS Hải cũng không phải đợi đến lúc Thủ tướng trao cơ hội bởi những chiếc kính đặc biệt này từng được các doanh nhân nhạy bén với thương trường trả giá đến 10 tỉ đồng. 10 tỉ đồng chắc chắn là giấc mơ của một giảng viên ĐH như anh nhưng giấc mơ ấy còn xa vời hơn với các nhà nghiên cứu khoa học mới bắt tay vào sự nghiệp.
Thế nhưng, TS Hải đã không bán nghiên cứu của mình để lấy tiền bởi tâm nguyện của anh là không thương mại hóa mà chỉ phục vụ cộng đồng, những người dân đã góp gạo, mua dưa cà mắm muối nuôi anh từ ngày còn mày mò nghiên cứu trong căn nhà trọ, mà trước hết là phục vụ hàng trăm ngàn người mù.
Nhiều người có lý khi nói rằng dù có học vị TS và là giảng viên của một trường ĐH nhưng Nguyễn Bá Hải không phải là người giỏi thuyết phục để chỉ trong 10 phút tạo được cơ hội “ngàn vàng” ấy mà chính là vì giá trị thực tiễn của nghiên cứu và những tâm nguyện của anh mới là điều quyết định.
Có người sẽ được tặng, có người phải mua dù chỉ mua bằng giá vốn, nhưng tất cả người mù của cả nước, dù bẩm sinh hay do tai nạn, chiến tranh... đều có cơ hội để không bao lâu nữa được sở hữu một chiếc kính đặc biệt từ nghiên cứu của TS Hải.
Nhưng số phận may mắn của những chiếc kính cho người khiếm thị khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nếu không có cơ may được 10 phút trình bày với Thủ tướng thì nghiên cứu hữu ích này đến bao giờ mới có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ngân sách? Chính TS Hải từng làm hồ sơ đăng ký xin kinh phí nghiên cứu nhưng phải thất vọng đến mức có lúc bi quan.
Nhà nghiên cứu trẻ làm việc trong môi trường của một cơ sở giáo dục bậc ĐH chuyên ngành về kỹ thuật mà còn thế thì những người ở môi trường khác chắc còn gặp khó khăn hơn nhiều. Biết đâu vẫn còn nhiều công trình nghiên cứu hữu ích như thế hoặc hơn thế nhưng phải “xếp ngăn kéo” chỉ vì không có cơ hội?
Nhà nước đã có hàng loạt chủ trương đầu tư cho khoa học, ngân sách hằng năm trong điều kiện eo hẹp cũng đã dành một tỉ lệ không nhỏ để chi cho hoạt động này, vậy tại sao những nhà nghiên cứu như TS Hải vẫn phải từng thất vọng, bi quan?
Theo Báo Người lao động