Cơ hội để có thể thành đạt tại Nhật Bản
(Dân trí) - Lương bổng và các chế độ làm việc khác sẽ ở mức tương đương với các kỹ sư người Nhật, sinh viên các khối tự nhiên của đại học Việt Nam hoàn toàn có thể lập nghiệp và thành đạt tại Nhật Bản.
Trao đổi với Dân trí, GS. Huỳnh Mùi, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật VCI (Trung tâm giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp tại Nhật Bản) cho biết: Ðối với đối tượng là sinh viên tốt nghiệp đại học, chúng tôi đã có một chương trình dài hạn hợp tác với các công ty Nhật Bản và công ty Mỹ như: Ryoyu, Adhoc, Skill Partnerrs, Grape City, nhằm bồi dưỡng cho kỹ sư CNTT có năng lực sang Nhật Bản và các nước khác để đào tạo và làm việc, đồng thời tạo cơ sở để tiếp nhận và hỗ trợ những kỹ sư đó tại nước ngoài.
Mục tiêu của Trung tâm là đào tạo thêm ngoại ngữ và nghề cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học và giới thiệu họ với các công ty Nhật Bản. Nội dung đào tạo chính của Trung tâm gồm tiếng Nhật và những công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực cơ khí, vật liệu bán dẫn, xây dựng, công nghệ thông tin, điện, điện tử... mà các công ty Nhật Bản đang cần.
Xin ông cho biết điều kiện để được tham gia chương trình. Người học liệu có hoàn toàn yên tâm đầu ra khi tham gia vào chương trình này?
Với chương trình này, chúng tôi tuyển các học viên đã tốt nghiệp đại học, có học lực khá trở lên, có nguyện vọng học tiếng Nhật và sang Nhật Bản làm việc. Học viên sẽ được đào tạo tiếng Nhật và công nghệ thích hợp theo từng ngành nghề trong vòng 9 tháng. Sau đó chúng tôi sẽ giới thiệu học viên với các công ty Nhật Bản và học viên trực tiếp ký hợp đồng với chủ sử dụng lao động.
Lương bổng và các chế độ khác của học viên khi sang Nhật làm việc sẽ ở mức tương đương với các kỹ sư người Nhật. Chứng minh qua thực tế cho thấy, nếu các học viên được chuẩn bị kỹ thì sẽ không sợ thiếu đầu ra. Tôi nghĩ người học có thể hoàn toàn yên tâm đầu ra khi tham chương trình đào tạo nghề này. Bởi vì, chúng tôi đào tạo và giúp các chủ sử dụng lao động tìm được đúng người mình cần.
Thưa ông, với điều kiện tuyển chọn tốt nghiệp và có học lực khá trở lên thì ngay tại trong nước cũng đang rất cần nguồn lao động có chất lượng. Như vậy, việc đào tạo này liệu có gây ra "chảy máu chất xám" không, thưa ông?
Trước hết, tôi khẳng định lại là chúng ta có chất xám, nhưng chất xám đó chưa đầy đủ để có thể làm tất cả mọi việc. Chúng tôi mong muốn tìm được những kỹ sư có thể đóng góp cho sự phát triển của cả Việt Nam lẫn Nhật Bản. Sau vài năm làm việc ở Nhật Bản và trở về, những kỹ sư này sẽ giúp cho các công ty, cơ sở sản xuất trong nước hiểu được và triển khai thuần thục công nghệ Nhật Bản.
Khi về nước những người đó không chỉ đem theo kinh nghiệm mà còn cả kiến thức và các công nghệ mới của nền công nghiệp Nhật Bản. Ðó mới là tầm nhìn và mục tiêu lâu dài của chúng tôi.
Vậy tầm nhìn và mục tiêu lâu dài đó cụ thể là gì, thưa ông?
Hiện nay, chúng tôi vừa mới bắt đầu lớp học đầu tiên với 20 người. Ðây là những sinh viên tốt nghiệp ngành cơ khí trường ÐH Bách khoa Hà Nội. Nội dung đào tạo của khoá này là về CAD (thiết kế bằng máy tính) theo hướng thiết kế cơ khí trên máy tính. Sau thời gian đào tạo kéo dài khoảng 9 tháng, bước đầu 10 học viên trong lớp này sẽ được công ty Nhật xét tuyển sang Nhật làm việc.
Dự kiến tới năm 2006, chúng tôi sẽ tăng số học viên lên 100 người. Chúng tôi có một vài dự định lâu dài hơn hướng tới các ngành nghề mà Nhật Bản đang rất cần như chăm sóc người già... Trong tương lai, chúng tôi dự định sẽ mở rộng thêm một số lĩnh vực như y học, dược...
Mai Minh
Thực hiện