1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vĩnh Long:

Cô giáo mầm non nghỉ việc về nuôi "thủy quái" sông Mekong

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Đang là cô giáo mầm non, chị Phụng nghỉ việc về nhà nuôi cá bè phụ gia đình. Nhận thấy cá tra, cá điêu hồng bị cạnh tranh về đầu ra, chị chuyển sang nuôi những loài "thủy quái" và thu lợi bất ngờ.

Trước đây, chị Võ Thị Hoa Phụng (34 tuổi, ngụ tại xã An Bình, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) từng có 2 năm gắn bó với nghề dạy trẻ mầm non. Song thấy cha mẹ lớn tuổi còn phải nuôi cá bè, chị quyết định nghỉ việc phụ giúp gia đình. 

"Bà con ở các bè tại đây chủ yếu nuôi cá tra, cá điêu hồng. Thời điểm đó, nhà tôi cũng thế, các loại cá nuôi cung vượt cầu thường xuyên rơi vào cảnh được mùa mất giá. Tôi nghĩ mình phải tìm ra giống cá khác, có thế mới không bị lỗ nữa", chị Phụng tâm sự. 

Cô giáo mầm non nghỉ việc về nuôi thủy quái sông Mekong - 1

Những giống cá có nguy cơ tuyệt chủng như cá hô, trà sóc, vồ cờ... được chị Phụng nuôi bảo tồn (Ảnh: NVCC).

Cô giáo mầm non nghỉ việc về nuôi bảo tồn loài "thủy quái" sông Mekong (Clip: Bảo Kỳ).

Nghĩ là làm, chị Phụng bắt tay vào nghiên cứu, tìm tòi những giống thủy sản nước ngọt dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao. 8 năm trước, biết đến mô hình nuôi cá hô và một số loại cá quý, hiếm khác, chị tìm đến Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 ở Tiền Giang mua con giống. 

"Các nhà nghiên cứu đã lai tạo được nhiều loài cá như cá hô, cá trà sóc, cá cóc..., có cung cấp giống cho nông dân nên tôi mua mỗi giống một ít về nuôi thử nghiệm", chủ bè cá Võ Phụng chia sẻ. 

Cô giáo mầm non nghỉ việc về nuôi thủy quái sông Mekong - 2

Cá vồ cờ còn có tên gọi khác là cá mập nước ngọt, sống ở sông Mekong. Ngoài tự nhiên, loài cá này nặng đến 300kg, rất hung hãn (Ảnh: NVCC).

Được biết, cá hô, cá vồ cờ... được mệnh danh là "thủy quái" sông Mekong khi sở hữu kích thước khủng. Người dân từng đánh bắt được các loài cá này với trọng lượng lên đến hàng trăm kilogam. 

Theo chị Phụng, nuôi cá đặc sản trên lồng bè có nhiều ưu điểm như nguồn nước sạch, giống với môi trường tự nhiên giúp cá thích nghi tốt. Đồng thời chị nuôi mật độ khá thưa, mỗi lồng khoảng 3-5 tấn cá, hạn chế bệnh tật.

Song do đặc tính các loài này nhát, bị "động" là dễ bỏ ăn nên khi nuôi cần làm lưới che trên miệng lồng. Ngoài ra các yếu tố về dòng chảy, mưa bão cũng ảnh hưởng đến sức ăn của cá.

Cô giáo mầm non nghỉ việc về nuôi thủy quái sông Mekong - 3

Chị Phụng quản lý 40 lồng bè nuôi "thủy quái".

Hiện chị Phụng nuôi 5 loại cá đặc sản gồm cá hô, cá trà sóc, cá vồ cờ, cá mè hôi, cá cóc... Đối với cá hô, cá trà sóc phải nuôi khoảng 2 năm mới xuất bán, cân nặng từ 5-30kg/con; cá cóc, mè hôi nuôi hơn 1,5 năm đạt trọng lượng 1,7-3kg đủ điều kiện xuất bán. Giá cá thương phẩm dao động từ 120.000 - 300.000 đồng/kg, tùy loại. 

"Mặt hàng cá thương phẩm có quanh năm, cứ vào đợt thu hoạch kéo dài khoảng 2 tháng. Chẳng hạn thời điểm này tôi thu hoạch cá cóc, mỗi ngày giao cho lái 400kg. Thị trường tiêu thụ của tôi khá rộng ở nhiều tỉnh miền Nam, có cả khách sỉ và lẻ, thậm chí tôi còn giao cá sống ra cả Hà Nội", chị Phụng cho hay. 

Cô giáo mầm non nghỉ việc về nuôi thủy quái sông Mekong - 4

Hiện bè cá của chị đang vào đợt xuất bán cá cóc, giá bán thương phẩm dao động 120.000-130.000 đồng/kg.

Hỏi về lợi nhuận, chủ bè cá thành thật cho biết, những năm đầu lợi nhuận từ nuôi cá đặc sản rất cao nhưng từ sau dịch Covid-19, giá cá thương phẩm giảm đáng kể. Hiện với 40 lồng nuôi "thủy quái", trừ hết chi phí, chị Phụng lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. 

Cô giáo mầm non nghỉ việc về nuôi thủy quái sông Mekong - 5

Cá hô chị Phụng nuôi đạt trọng lượng bình quân từ 5-30kg.

"Thực sự chi phí thức ăn đang là gánh nặng với người nuôi thủy sản nói chung. Tôi mua thức ăn trực tiếp từ công ty, mỗi lần nhập hàng, nhà cung cấp đều báo tăng giá từ vài trăm đồng tới cả nghìn đồng mỗi ký. Tiền thức ăn mỗi tháng của số bè cá có thể cất được căn nhà cấp 4", nữ nông dân tiết lộ.