Cô gái Hà Nội tốt nghiệp ĐH Luật ra bán… bún đậu mắm tôm

Sinh ra trong một gia đình khá giả, có mẹ làm bác sỹ và bố làm kinh doanh thành đạt, chị Bùi Thị Lệ Hương được gia đình rất chăm chút cho việc học hành. Chị tốt nghiệp Đại học Luật với tấm bằng khá trong tay nhưng không thể xin được việc đúng nghề.

Cha mẹ buồn bã với quyết định của con

Khi nghe chúng tôi trình bày về ý định viết bài về công việc hiện tại, chị Hương rất vui vẻ và thoải mái chia sẻ thông tin về bản thân mình. Chị kể, nhà bố mẹ đẻ của chị ở phố Vọng. Mẹ làm bác sỹ còn bố làm nhân viên kinh doanh trong một công ty vận tải. Từ bé chị đã có học lực khá nên khi thi vào phổ thông Trung học, chị quyết định thi vào trường Phan Đình Phùng – một ngôi trường khá kén chọn học sinh của thủ đô.

Chuyện học hành của chị ngày càng suôn sẻ khi hết cấp chị lại đỗ liền 2 trường Đại học với số điểm cao. Chị quyết định học trường Luật với ước mơ sẽ trở thành một luật gia hay làm những công việc tương tự.

Việc học hành khép lại với tấm bằng khá. Thế nhưng, ra trường, chị Hương xin việc ở nhiều nơi đều không thể được. Chị đành vào làm việc ở một vài đơn vị tư nhân, sau đó ra kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh vận tải… Rất tiếc, những công việc này đều không mỉm cười với chị. Vốn được sống trong cảnh sung túc, chỉ lo học hành nên các công việc kinh doanh đều lấy mất nhiều sức của chị mà không mang lại hiệu quả kinh tế.


Chị Hương luôn bận rộn với quán bún đậu

Chị Hương luôn bận rộn với quán bún đậu

Chật vật để vật lộn với cuộc sống mưu sinh nhưng mọi thứ đều thất bại, chị Hương quyết định bán …bún đậu mắm tôm với ý nghĩ đây là một món ăn dân dã, dễ làm và phải bỏ ít vốn. Ngoài bún đậu, chị còn bán thêm cháo sườn, chè đỗ đen, trà đá... để tăng thêm thu nhập.

Chị chia sẻ: “Lúc quyết định bán hàng, chồng tôi cũng không đồng ý. Nhưng rồi thuyết phục mãi, anh ấy cũng đành để vợ bán”.

Lý do khiến chồng chị Hương không muốn vợ phải đầu tắt mặt tối cũng khá dễ hiểu. Anh và chị vốn học cùng trường. Hai người đã cưới nhau sau khi ra trường một thời gian. Cả hai đều chật vật với công việc ở giai đoạn ban đầu. Chị Hương tìm đến các công việc trái ngành còn anh vẫn tiếp tục theo đuổi việc học hành và sau một thời gian đã trở thành Luật sư. Hiện anh thành lập một công ty luật ngay tại nhà là số 43 Ngõ Huyện.

Chị Hương kể thêm, khi thấy chị bán bún đậu, cả phố khá ngỡ ngàng. Và điều làm chị có phần băn khoăn đó chính là cha mẹ đẻ mình. Ông bà thương con vất vả với công việc bán bún đậu nên rất buồn bã. Ông bà vẫn thường xuyên nhắc con nghỉ việc bán bún vì nhà chị có mặt tiền ngay Ngõ Huyện đã cho thuê và có tiền để có thể sinh sống.

Không hối hận vì đã được đi học và sẽ tiếp tục bán bún đậu

Mặc dù gia đình, bạn bè tỏ ra e ngại cho việc chị Hương phải vất vả với công việc hiện tại nhưng chị cho biết sẽ vẫn tiếp tục bán hàng, thậm chí mở rộng gian hàng bún đậu của mình. Chị nói: “Tôi nghĩ nếu chỉ trông chờ vào tiền cho thuê nhà thì không nên, tôi còn sức khỏe, còn có thể làm việc. Mình bán hàng chứ có làm gì xấu đâu. Thu nhập bán bún của tôi chắc chắn hơn lương của nhà nước rồi! Bạn bè cùng lớp tôi cũng có nhiều người không xin được việc đúng nghề”.

Chị Hương tâm sự, cả quán bún của chị chỉ đầu tư chưa đến 10 triệu đồng, bán ngày nào biết ngay lãi ngày đó. Chị chọn công việc này cho đơn giản vì giờ đầu tư những thứ lớn sẽ có thể gặp rất nhiều rủi ro.


 Bảng hiệu bún đậu của chị Hương được đặt ngay dưới bảng hiệu công ty luật của chồng chị

 Bảng hiệu bún đậu của chị Hương được đặt ngay dưới bảng hiệu công ty luật của chồng chị

Tuy nhiên, chị cũng kể, lúc mới ra bán khá lúng túng vì chưa quen. Những ngày đầu chưa có khách còn bị lỗ vốn.

Dường như để trấn an những người phải lo lắng cho mình, mỗi khi có ai hỏi về công việc bán bún đậu, chị Hương thường cho biết, chị muốn có một công việc tại nhà để còn chủ động về thời gian và có điều kiện đưa đón các con đi học và nấu nướng cho chúng.

Khi chúng tôi đặt ra câu hỏi: Chị có hối hận khi đã đi học mà về bán bún đậu hay không? Liệu sau này con chị đòi nghỉ học giữa chừng để bán hàng chị sẽ nghĩ sao?

Chị Hương cho biết ngay là chị hoàn toàn không hối hận gì về việc đã học đại học. Chị nói: “Đi học đâu phải chỉ để có một công việc tốt đâu. Cho dù công tác đào tạo còn nhiều vấn đề nhưng dù sao đi học cũng cho mình rất nhiều điều bổ ích. Và việc học hành tạo cho mình trở thành một người có văn hóa trong ứng xử, trong suy nghĩ. Học là một chuyện, xin được việc là một chuyện khác. Còn với các con tôi, tôi sẽ không bao giờ cho chúng nghỉ học giữa chừng. Cứ phải học đã rồi ra trường tính tiếp”.

Khi đã trở thành người bán bún đậu, vậy có khi nào người phụ nữ này thèm khát có được một công việc đúng ngành học?

Chị cười và nói với chúng tôi: “Cũng có lúc nghĩ tới điều đó chứ! Nhưng có lẽ là lỡ mất rồi. Thời gian cũng đã làm kiến thức của mình rơi rớt. Với lại, giờ tôi không có áp lực buộc phải đi làm đúng nghề mới có tiền, tôi rất không muốn lại phải chạy vạy đi xin việc nữa!”.

Theo infonet.vn