Cô gái chuyên bán quan tài từ lý do không ngờ, thu lợi nhuận đáng mơ ước
(Dân trí) - Từ bỏ ngành giáo dục, Lisa (ở Trung Quốc) quyết định trở thành nhân viên bán quan tài sau khi tham quan dây chuyền sản xuất.
Cô gái trở thành nhân viên bán quan tài
Cô gái tên Lisa sống tại thành phố Hà Trạch (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) từng làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng khối lượng công việc nặng nề khiến cô dần kiệt sức.
Tháng 7/2022, cô gái 29 tuổi quyết định thay đổi nghề nghiệp và được giới thiệu trở thành nhân viên bán quan tài.
"Người chết mỗi ngày và ai cũng cần một chiếc quan tài", lời nói của chủ một doanh nghiệp xuất khẩu quan tài tác động mạnh mẽ tới suy nghĩ của Lisa. Sau đó cô được dẫn đi thăm xưởng sản xuất, nơi chỉ mất vài chục phút một chiếc quan tài được ra đời trên dây chuyền lắp ráp hiện đại.
"Sau khi đến thăm nhà máy, tôi không hề sợ hãi mà lại thấy rất thú vị", cô nói.
Khi nhận việc, Lisa chịu trách nhiệm chính trong việc xuất khẩu quan tài sang thị trường Italy. Về hình dáng, quan tài xuất khẩu sang châu Âu rất khác so với quan tài ở Trung Quốc.
Quan tài truyền thống Trung Quốc thường được làm bằng gỗ gụ, gỗ bách và sơn màu đen, đỏ. Phong cách này mang lại cảm giác trang trọng, buồn bã.
Ngược lại, quan tài xuất sang châu Âu có hình lục giác, với những họa tiết nhẹ nhàng chứa các yếu tố tôn giáo và văn hóa bản địa. Phía trong quan tài thường có ba lớp lót, một chiếc gối kèm một chiếc chăn nhỏ.
Dù khác nhau về hình dạng, đa phần khách hàng đều yêu cầu quan tài có chất liệu dễ cháy, phù hợp với hỏa táng.
Hà Trạch, nơi có nhà máy qua tai mà Lisa tham quan cũng là quê hương gỗ paulownia nổi tiếng Trung Quốc. Loại gỗ này nhẹ, có khả năng chống ẩm, kết cấu đẹp, dễ gia công, dễ cháy nên là lựa chọn hàng đầu để làm quan tài hỏa táng.
Với lợi thế về giá cả và tài nguyên, ngành sản xuất quan tài của Hà Trạch đã phát triển nhanh chóng những năm gần đây. Vì thế thành phố này còn được gọi là "Quê hương của quan tài" tại Trung Quốc.
Tháng 12/2017, chương trình "The Incredible World" của Nhật Bản đưa tin về ngành sản xuất quan tài tại Hà Trạch cho hay, 90% quan tài ở thị trường Nhật Bản đều được sản xuất tại nơi này.
Lợi nhuận "khổng lồ"
Ngoài thị trường truyền thống Nhật Bản, gần đây nhà máy của Lisa đang hướng tới thị trường châu Âu để có lợi nhuận cao hơn. 30.000-40.000 chiếc quan tài tại nhà máy này được xuất khẩu sang châu Âu mỗi năm, với giá 90-150 USD, tùy thuộc vào loại gỗ được sử dụng, như gỗ paulownia hay gỗ thông.
Khách hàng chủ yếu của nhà máy là các nhà bán buôn và nhà tang lễ. Ở châu Âu, một chiếc quan tài sản xuất trong nước bán giá 1.000-2.000 euro, mức chênh lệch vì thế có thể cao gấp hơn 10 lần.
"Ngành tang lễ cũng giống ngành mỹ phẩm, thu khoản lợi nhuận khổng lồ", một người làm trong ngành tang lễ tại Italy nói với Lisa.
Cô gái cho hay, mặt hàng nhạy cảm này cũng có mùa thấp điểm và cao điểm. Tháng 7, tháng 8 là mùa thấp điểm trong khi mùa cao điểm là từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Lý do chính là số người già của Italy ngày càng nhiều. Mùa đông lạnh giá thường dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở người cao tuổi.
Do chênh lệch múi giờ, lịch trình làm việc mỗi ngày của Lisa được chia làm hai giai đoạn. Buổi sáng cô cập nhật thông tin sản phẩm, đăng tải các nội dung về quan tài lên các trang mạng xã hội để thu hút khách hàng tiềm năng.
Buổi chiều khi Italy vào giờ làm việc, cô mới liên hệ trực tiếp tới khách hàng giới thiệu sản phẩm cũng như chốt đơn.
Tháng 9 năm nay, Lisa bất ngờ nhận được đơn hàng 90 chiếc đến từ một khách hàng châu Phi. "Tôi chưa từng liên hệ với họ, nhưng họ biết tôi qua Facebook", Lisa nói. Tiếp đó, cô cũng nhận được đơn hàng đến từ Romania, đất nước nổi tiếng với nguồn tài nguyên gỗ phong phú tại châu Âu.
"Trong làn sóng thương mại toàn cầu hóa, quan tài đã trở thành một mặt hàng đặc biệt vượt qua sự chia rẽ về văn hóa và kinh tế", Lisa chia sẻ.
Cách đây vài tháng, cô đã đưa sản phẩm của công ty đến Quảng Châu tham gia Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Hội chợ dù không có khu trưng bày đặc biệt dành cho ngành tang lễ nhưng Lisa đã mạnh dạn mang theo một số mẫu quan tài và bình đựng tro cốt tới.
Việc làm này thu hút khách tham quan, không chỉ người Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác nhau.
Một số người rảo bước nhanh qua gian hàng vì cho rằng "nói đến cái chết là điều cấm kỵ", nhưng cũng có không ít người tò mò mở quan tài kiểm tra, thậm chí còn muốn thử nằm vào trong đó. Số khác chụp ảnh bên cạnh quan tài, dùng sự hài hước để xua tan nỗi sợ hãi về cái chết.
Sau khi đăng tải thông tin về gian hàng của mình lên Facebook, nhiều người hỏi Lisa: "Con gái làm ngành này không sợ sao?". Lisa cho hay, khi còn là sinh viên đã từng xem một bộ phim Nhật Bản có tên "The Embalmer".
Nhân vật chính vốn là một nghệ sĩ cello (nhạc cụ thuộc bộ dây) nhưng vô tình trở thành chuyên gia trang điểm cho người đã khuất. Công việc cũng khiến nhân vật chính dần tìm ra ý nghĩa của việc từ biệt cuộc sống.
Bộ phim cũng thay đổi hoàn toàn nỗi sợ của Lisa về cái chết. Cô vẫn nhớ trong phim có câu thoại: "Thứ cuối cùng một người mua trong đời là do người khác quyết định".
Sau khi làm nghề, cô gái này nhận ra, chiếc quan tài giống như chiếc thuyền nhỏ tiễn đưa một người tới thế giới bên kia, nhưng cũng là nơi nuôi dưỡng tình cảm của người còn sống dành cho người đã khuất.
Những chiếc quan tài được Lisa xuất sang nước ngoài vì thế được cô ví: "Chúng đã vượt đại dương để trở thành điểm đến cuối cùng của những người xa lạ".