Chuyện về nhà hàng "chuộng" nhân viên khiếm thính ở Nepal
Bakery Cafe là điểm đến quen thuộc của các thực khách trung lưu ở Nepal. Điểm đặc biệt của chuỗi nhà hàng này là có đến một phần ba nhân viên là người khiếm thính.
Mochchhe Chandra Baral là một trong số những nhân viên khiếm thính ở Bakery Cafe. Ảnh: Deepak Adhikari |
Sau 20 năm kinh doanh, chuỗi nhà hàng Bakery Cafe trở thành nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất Nepal rộng cửa chào đón những người khuyết tật, trái ngược với phần lớn các nhà tuyển dụng ở nước này đều không mặn mà với những ứng viên gặp hạn chế về mặt thể chất. Bởi ở Nepal, những người khuyết tật không chỉ bị xem là gánh nặng cho gia đình họ, mà trong một số cộng đồng, khuyết tật còn bị xem là “lời nguyền” mà một người phải hứng chịu vì những việc làm sai trái trong tiền kiếp.
Chính sách tuyển dụng “lạ đời”
Nhà sáng lập Bakery Cafe – ông Shyam Kakshapati – bắt đầu mở rộng chính sách tuyển dụng đặc biệt này sau khi gặp gỡ một vài người khiếm thính đang làm công việc soát vé tại một buổi hòa nhạc. “Đó là công việc bán thời gian của họ. Tôi nghĩ việc được tuyển dụng toàn thời gian sẽ rất có ý nghĩa với họ bởi vì người khuyết tật gặp phải nhiều rào cản khi tìm việc”, ông chia sẻ.
Khi chuẩn bị ra mắt cửa hàng Bakery Cafe đầu tiên ở khu dân cư New Baneshwor (thuộc thủ đô Kathmandu, Nepal) vào khoảng giữa những năm 1990, Kakshapati đã liên hệ với Liên đoàn những người khiếm thính Nepal để thuê nhân viên phục vụ. Sau đó, ông cũng thuê thêm một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu để đào tạo những nhân viên mới này cách nhận gọi món và phục vụ bàn. Ông cũng đăng thông báo để lưu ý và khuyến khích thực khách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.
“Cách làm này còn mới mẻ ở Nepal, vì vậy tôi đã gặp rất nhiều thử thách. Hầu hết các nhân viên mới được tuyển vào chưa bao giờ được ăn món pizza hoặc hamburger. Họ thậm chí còn không biết cách sử dụng muỗng, nĩa. Lúc đó, tôi rất lo lắng vì không biết thực khách có chấp nhận dịch vụ mới "lạ đời" này không. Nhưng tôi dám chắc rằng những người trẻ này sẽ làm việc hiệu quả. Tôi muốn họ được đào tạo để trở nên độc lập và tự lực”, ông chủ.
Dù Bakery Cafe đã nỗ lực cải thiện, hiện nay, trong số những nhân viên khiếm thính của nhà hàng, chỉ có 5 người là phụ nữ. Theo Công ty, nguyên nhân là do có rất ít phụ nữ khiếm thính nộp đơn xin việc.
Được biết, có khoảng 5, 6 người trong số những nhân viên khiếm thính của Bakery Cafe giữ vị trí trưởng nhóm phục vụ bàn hoặc quản lý quầy bar.
Ông Shyam Kakshapati trong văn phòng ở thủ đô Kathmandu, Nepal. Ảnh: Deepak Adhikari |
Cách nhìn của thực khách dần thay đổi
Nhân viên phục vụ ở Bakery Café nhận mức lương 10.000 rupee (90 USD) mỗi tháng, tương đương với mức lương của nhân viên phục vụ ở những nơi khác. Họ làm việc theo ca 8 tiếng, được hỗ trợ ăn uống trong thời gian làm việc và được chăm lo đầy đủ các chi phí y tế, nhà ở, Nirmal Shah – quản lý một chi nhánh cửa hàng ở New Baneshwar chia sẻ.
Nirmal Shah cho biết, ông cũng đảm trách nhiệm vụ giúp đỡ những nhân viên khiếm thính phục vụ bàn nếu họ gặp khó khăn khi nhận gọi món từ khách, đồng thời cung cấp thêm thông tin về thành phần món ăn nếu khách hàng yêu cầu. Họ sẽ can thiệp ngay lập tức khi có bất kỳ trục trặc nào xảy ra. Chẳng hạn, một khách hàng có thể mất kiên nhẫn khi nhân viên phục vụ bàn không thể nói cho họ biết rằng thức ăn có vị cay. Nhưng Công ty cho biết, theo thời gian, nhờ sự tận tụy và chăm chỉ của các nhân viên khiếm thính, cách nghĩ của thực khách cũng dần thay đổi.
Một cửa hàng Bakery Cafe ở Nepal. Ảnh: Deepak Adhikari |
“Họ rất chuyên nghiệp và chu đáo. Tôi cảm thấy dễ chịu khi dùng bữa trưa ở đây vì cảm thấy những người phải chịu thiệt thòi đã được tuyển dụng để làm việc. Đây là một sáng kiến rất hay mà những doanh nghiệp khác nên học hỏi theo”, Rajani Baniya – một thực khách 32 tuổi nêu trải nghiệm ăn uống tại Bakery Cafe.
Bishnu Khimbaje (43 tuổi) là một trong số 12 nhân viên phục vụ đầu tiên được tuyển dụng cách đây 20 năm. Ông hiện là nhà quản lý quầy bar. “Tôi được thăng chức sau khi Công ty tiến hành đánh giá công việc của mình. Họ đã nhận ra mức độ đóng góp của tôi, và tôi rất hạnh phúc vì điều đó”, ông cho biết khi trả lời phỏng vấn.
Các quy định bị phớt lờ
Nhân viên khiếm thính Ram Chandra Karki (43 tuổi), làm việc ở quận Dolakha (miền Bắc Nepal) cho biết, chính phủ nên thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ những người khuyết tật tìm việc làm. “Chính phủ không thể trao công việc cho những người như chúng tôi. Đây là nơi duy nhất mà chúng tôi có thể tìm thấy cơ hội”, ông nói.
Trên thực tế, luật pháp ở Nepal có quy định rằng, khi tuyển dụng, cứ mỗi 25 nhân viên, các công ty phải thuê ít nhất một nhân viên khiếm khuyết về mặt thể chất. Nhưng đa số các nhà tuyển dụng đều phớt lờ quy định này. Bên cạnh đó, định kiến của người dân cũng thay đổi rất chậm.
Thực khách ở Bakery Cafe cũng được khuyến khích sử dụng ngôn ngữ ký hiệu tay. Ảnh: Deepak Adhikari |
Không những đối với các công ty tư nhân, theo quy định, khi thuê công chức, chính phủ cũng phải thuê 5% người khuyết tật. Nhưng thực tế, trong số khoảng 80.000 công chức ở Nepal, chỉ có khoảng 1.200 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ chỉ 1,5%, theo Indra Prasad Upadhyay – người đứng đầu Hội những nhân viên khuyết tật Nepal.
Có khoảng 500.000 người Nepal bị mất khả năng nghe. Nhưng chỉ có một số ít các công ty thuê nhân viên khuyết tật. Chẳng hạn, Công ty dược phẩm Deurali Janata có 15 nhân viên khuyết tật. Trong số gần 300 nhân viên tại khách sạn Dwarika's Hotel ở Kathmandu, có 3 người khiếm thính.
Chính sách tuyển người khiếm thính: Không phải làm từ thiện
Cách đây 5 năm, khi mở thêm một nhà máy kem lạnh, ông chủ của Bakery Cafe - Shyam Kakshapati - cũng thuê thêm 7 nhân viên khiếm thính nữa. Ông cho rằng, các công ty/tổ chức không nên xem việc thuê mướn nhân viên khuyết tật là một cách để làm từ thiện.
Với Kakshapati, chính sách này là một phần của một mô hình kinh doanh bền vững. Quan điểm của ông là, những người mất khả năng nghe nên được đào tạo để làm việc trong các ngành mộc, xây dựng, và những ngành công nghiệp khác mà ở đó, khả năng nghe không quá quan trọng.
“Tôi nói với các nhân viên khiếm thính của mình rằng việc tôi đang làm không phải là từ thiện. Họ kiếm được thu nhập và mọi thứ khác nhờ lao động chăm chỉ và họ nên cảm thấy tự hào vì điều đó”, ông chủ Bakery Cafe kể.
Theo Bích Trâm/Doanh nhân Sài gòn, Nikkei Asian Review