1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chuyện về người lính già âm thầm đi tìm mộ đồng đội

(Dân trí) - Với mong muốn giúp các đồng đội được về yên nghỉ nơi đất mẹ, nhiều năm qua, cựu binh Trần Sông Thao (sinh 1953, trú tại Đà Nẵng) đã âm thầm trở lại chiến trường xưa tìm phần mộ của các liệt sĩ.

Mừng rơi nước mắt khi tìm thấy động đội

Ông Trần Sông Thao (quê ở Hà Tĩnh) là chiến sĩ đặc công nước thuộc Đơn vị 170 - Mặt trận 44 Quảng Đà. Hiện nay, gia đình ông trú tại phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). 

Từng trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, nên khi được sống trong nền hòa bình, bản thân ông Thao luôn trăn trở khi hài cốt của đồng đội còn nằm ở đâu đó trên các chiến trường.

Đặc biệt, mỗi lần gặp thân nhân của các liệt sĩ ấy, nỗi trăn trở trong lòng ông càng lớn, càng thôi thúc ông phải lên đường.

Chuyện về người lính già âm thầm đi tìm mộ đồng đội - 1

Cựu binh Trần Sông Thao xem lại những hình ảnh kỷ niệm với đồng đội

Năm 1997, sau khi nghỉ hưu được 2 năm, ông bắt đầu công việc đi tìm mộ của các đồng đội. Là người chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh nên ông Thao biết rõ nơi chôn cất hài cốt của các liệt sĩ.  

Ông Thao trở lại chiến trường Quảng Đà năm xưa, lần tìm những gốc cây, những đoạn đường… để tìm đồng đội mình. Phần lớn các trường hợp sau khi được tìm thấy, ông Thao mới báo cho gia đình liệt sĩ. Thông thường, mỗi chuyến đi của ông mất cả tuần và nhiều hơn thế, cũng có khi đành về không vì chưa thể tìm thấy.

Với ông, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm khó quên. Chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Xuân Tịnh (quê ở Hà Tĩnh) cũng vậy.

Theo trí nhớ của ông Thao, liệt sĩ Nguyễn Xuân Tịnh hy sinh trên đồi Mô Níc (xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) và được chôn bên một cây cổ thụ lớn.

Chuyện về người lính già âm thầm đi tìm mộ đồng đội - 2

Cựu binh Trần Sông Thao trong một lần đi tìm mộ đồng đội

Năm 2016, gia đình của liệt sĩ Nguyễn Xuân Tịnh vào Đà Nẵng nhờ ông Thao đi tìm hài cốt của người thân mình.

Lần đó, ông cùng gia đình của liệt sĩ Nguyễn Xuân Tịnh thuê một chiếc xe ô tô để vào đó. Tuy nhiên, khi lên núi xe ô tô không thể đi được mà phải chuyển qua đi xe ôm.

Có những đoạn đi qua rừng, qua suối, mọi người phải xuống đẩy xe và phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới vào được nơi. Tuy nhiên, khi đến được nơi khi cây cổ thụ đó người ta đã chặt mất rồi.

“Rất may là khi nghe tôi kể chuyện có đồng đội là lính đặc công đã từng hy sinh tại đây, một người dân đã chỉ cho tôi vị trí cây cổ thụ đó. Họ chặt cây nhưng vẫn trừ lại gốc. Khi hài cốt bắt đầu lộ dần ra, ai cũng vui mừng. Mừng rơi nước mắt…”, ông Thao nhớ lại.

Trường hợp của liệt sĩ Ngô Văn Sử (quê Quảng Ninh), ông Thao không chỉ giúp gia đình tìm được mộ mà còn về tận quê của liệt sĩ để làm lễ truy điệu cùng với gia đình.

“Liệt sĩ Ngô Văn Sử bị thương trong trận đánh cầu Bà Rén (Quảng Nam). Khi bị thương, đồng chí Sử được đưa về hậu cứ nhưng do mất nhiều máu nên đã hy sinh và được chôn bên đường. Tôi đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Ngô Văn Sử trên một con đường thuộc xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam”, ông Thao kể.

Chuyện về người lính già âm thầm đi tìm mộ đồng đội - 3

Những năm qua, cựu binh Trần Sông Thao đã nhận được nhiều bằng khen từ cấp trung ương đến địa phương

Tính đến thời điểm này, ông Thao đã tìm được 10 mộ liệt sĩ của đồng đội đưa về quê hương và 3 mộ liệt sĩ đưa vào nghĩa trang liệt sĩ Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Những ngày này, ông Thao đang chuẩn bị để vào Quảng Ngãi tìm kiếm mộ của liệt sĩ cùng quê với ông.

Theo ông Thao, công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ không phải một sớm, một chiều mà cần phải có sự kiên trì, chịu khó mới có kết quả. Và với ông, khi nào đồng đội còn nằm trên các chiến trường thì công việc tìm kiếm hài cốt của ông vẫn chưa thể ngơi nghỉ.

Nhận xét về cựu binh Trần Sông Thao, ông Nguyễn Xuân Dưỡng, Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Khuê Trung cho biết: ông Thao là một người rất có tâm với đồng đội. Mấy năm qua, ông Thao đã tích cực tìm kiếm mộ của các đồng đội và giúp đỡ gia đình các liệt sĩ chỗ ăn, ở khi họ vào trong này tìm kiếm mộ.

Gương làm giàu

Không chỉ tích cực trong công tác tìm kiếm hài cốt của các đồng đội, những năm qua, ông Thao còn tham gia làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Do hậu quả chiến tranh để lại, hai vợ chồng ông Thao đều là thương binh. Về hưu trước tuổi với đồng lương ít ỏi, vợ chồng ông Thao nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ phải làm gì để vươn lên thoát nghèo.

Sau khi suy tính kỹ, ông Thao quyết định chọn mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp với chế biến thức ăn gia súc.

Chuyện về người lính già âm thầm đi tìm mộ đồng đội - 4

Ông Trần Sông Thao được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen vì thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vươn lên trong lao động sản xuất

Ông Thao đã thành công với mô hình tự chế biến thức ăn gia súc cung cấp cho một số hộ gia đình chăn nuôi tại địa phương. Đàn heo, gà, vịt, cút… của gia đình ông từ mấy con đã tăng lên hàng ngàn con. Ngoài ra, ông còn có máy ấp trứng để tạo ra gà con giống bán cho các hộ gia đình chăn nuôi.

Khi có vốn, năm 2004, ông Thao lên xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) mua đất trồng rừng làm kinh tế trang trại. Đến năm 2016, ông Thao đã trồng được 12 ha rừng, chăn nuôi đàn bò được 40 con, nuôi cá nước ngọt 2.000m2.

Trang trại của ông đã hỗ trợ tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên và 20- 25 lao động thời vụ.

Chuyện về người lính già âm thầm đi tìm mộ đồng đội - 5

Ông Trần Sông Thao được Ban chấp hành Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác cung cấp thông tin tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Chuyện về người lính già âm thầm đi tìm mộ đồng đội - 6

Ông Trần Sông Thao được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công

Từ hiệu quả mô hình kinh tế này, ông Thao đã tích lũy xây được ngôi nhà khang trang, với tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.

Hàng năm, ông Thao cũng trích một khoản tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, đồng bào bị lũ lụt…

Đầu năm nay, thấy tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt nên ông Thao đã quyết định nghỉ làm kinh tế.

Nhiều sự ngợi khen

Những năm qua, cựu binh Trần Sông Thao đã nhận được nhiều bằng khen từ cấp trung ương đến địa phương; trong đó có bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vì thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vươn lên trong lao động sản xuất; bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác cung cấp thông tin tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công...

Khánh Hồng