1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chuyện những người "trót" yêu nghề dầm mình dưới làn nước đen

Nguyễn Tri

(Dân trí) - Dầm mình dưới làn nước đen ngòm, công nhân thoát nước thường xuyên gặp kim tiêm, lưỡi dao lam, mảnh chai… Chỉ cần một phút bất cẩn, tai nạn, thương tích có thể tới bất cứ lúc nào.

Một phút bất cẩn là gặp tai nạn

15h chiều 10/10, trong cơn mưa như trút nước do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, anh Huỳnh Quyên (41 tuổi, công nhân thoát nước và xử lý nước thải - Tổ thoát nước lưu vực Hòa Xuân) cùng 4 đồng nghiệp vẫn tất bật vệ sinh, khơi thông cống thoát nước tại tuyến đường Võ Chí Công (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

"Trời mưa như thế này anh em làm việc rất vất vả, ngâm lâu trong nước ai cũng bị ướt, lạnh. Như tôi, mới 8h sáng đã ướt nhẹp từ đầu đến chân", anh Quyên kể.

Những ngày này, Đà Nẵng liên tục mưa khiến rác liên tục bị cuốn xuống cống, gây tắc nghẽn. Những công nhân như anh Quyên phải bì bõm làm việc không kể ngày đêm trong nước ngập để khơi thông dòng chảy. 

Chuyện những người trót yêu nghề dầm mình dưới làn nước đen - 1

Các công nhân đang tất bật vệ sinh, khơi thông cống thoát nước tại tuyến đường Võ Chí Công (Ảnh: Nguyễn Tri).

Trong bộ áo mưa đã ướt sũng, nhóm của anh Quyên, mỗi người một việc, từ mở hố ga, mở hố thu, nạo vét, khơi thông rác tại khu vực hố thu để nước có thể chảy xuống cống...

Quệt nước mưa chảy dài trên mặt, người đàn ông 41 tuổi cho hay, trước mùa mưa, các tổ đều đã làm sạch hố thu để nước mưa có thể thoát nhanh nhất. Tuy nhiên, chỉ sau 2 - 3 ngày, các hố này sẽ đầy rác trở lại.

Chuyện những người trót yêu nghề dầm mình dưới làn nước đen - 2

Anh Quyên bì bõm làm việc không kể ngày đêm trong nước ngập để khơi thông dòng chảy (Ảnh: Nguyễn Tri).

"Lượng bùn đất, rác thải tập trung về các cống thoát nước quá lớn khiến nước thoát chậm, dễ gây ngập cục bộ khi có mưa lớn.  Vì vậy, chúng tôi phải liên tục kiểm tra, nếu phát hiện nước không thoát được thì phải khơi thông ngay", anh Quyên kể.

Cách đó chừng 3km, tổ của anh Đào Hữu Nhật (38 tuổi, công nhân thoát nước) cùng 3 người khác đang đầm mình dưới làn nước đen ngòm để khơi thông một cống thoát gặp sự cố trên đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu).

Chuyện những người trót yêu nghề dầm mình dưới làn nước đen - 3

Các công nhân cho hay, việc rơi các vật dụng cá nhân như điện thoại trong lúc làm việc là chuyện bình thường (Ảnh: Nguyễn Tri).

Có thâm niên 19 năm trong nghề, anh Nhật hằng ngày phải đối mặt với hàng trăm thứ rác độc hại, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe như mảnh vỡ thủy tinh, kim tiêm, xác động vật chết... Vì vậy, trong từng hành động, anh đều rất cẩn thận.

"Công việc của tôi thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại nên tôi luôn cẩn trọng, một phút bất cẩn thôi là tai nạn như chơi. Gần 20 năm trong nghề, kim tiêm, lưỡi dao lam, mảnh chai… tôi gặp không biết bao nhiêu mà kể", anh Nhật cho hay.

Không quản ngày đêm

Giờ làm việc hành chính của mỗi công nhân thoát nước là từ 7h sáng đến 17h chiều. Tuy nhiên, đa phần họ đều làm việc liên tục, không kể nắng mưa, không kể ngày đêm, không kể ngày thường hay ngày nghỉ. Cứ có sự cố, có tin báo là các tổ đều sẵn sàng lên đường.

Những ngày mưa lớn, buổi sáng, các tổ công nhân phải khơi thông miệng cống trước 6h sáng để đến 7h khi người dân đi làm, đường không còn ngập. Buổi chiều, trước giờ tan tầm, các công nhân cũng phải hoàn tất công việc. 

Chuyện những người trót yêu nghề dầm mình dưới làn nước đen - 4

Những ngày này, Đà Nẵng liên tục mưa khiến rác liên tục bị cuốn xuống cống, gây tắc nghẽn (Ảnh: Nguyễn Tri).

Nhà ở tận thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), mỗi ngày, anh Quyên phải dậy từ tờ mờ sáng để đi làm, đến tối khuya mới về tới nhà, ngày nào nhiều sự cố, anh cùng đồng nghiệp phải ngủ lại trạm. 

"Những ngày mưa lớn, chúng tôi hầu như không về nhà vì phải có người trực 24/24, thấy tin báo có sự cố là lên xe đi làm, làm khi nào xong thì thôi", anh Quyên cho hay.

Trong thời gian thành phố áp dụng chủ trương "ai ở đâu ở yên đó" để phòng dịch Covid-19, những công nhân như anh Quyên, anh Nhật làm việc "3 tại chỗ", không được về nhà. 

Trong khoảng thời gian đó, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng, anh Quyên "nóng ruột" lo cho vợ con ở nhà. Khi dịch được kiểm soát, Đà Nẵng - Quảng Nam cho phép người dân đi về, anh Quyên nhanh chóng hoàn thành các thủ tục, tranh thủ về thăm gia đình rồi phải ra Đà Nẵng để tiếp tục công việc.

Chuyện những người trót yêu nghề dầm mình dưới làn nước đen - 5

 Tuy công việc vất vả, nhưng các công nhân luôn nhiệt tình, hăng say với công việc (Ảnh: Nguyễn Tri).

"Gần 3 tháng rồi, tôi không được về nhà. Dù có nhớ vợ, nhớ con thì cũng phải cố gắng hoàn thành công việc mà cấp trên giao", anh Quyên chia sẻ.

Ông Hà Văn Thành - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, khi có mưa, bão các công nhân của công ty phải đảm bảo chế độ trực 100% để nhanh chóng xử lý khi có sự cố.

"Trước mùa mưa bão, anh em công nhân làm việc hết công suất để khơi thông, điều tiết các hồ bơm, các trạm bơm chống ngập, chuẩn bị phương tiện để hỗ trợ các địa phương xử lý ngập cục bộ. Nghề này rất vất vả, lúc mưa gió người ta ở nhà thì công nhân phải dầm mình trong nước cống. May mắn là anh em luôn nhiệt tình, hăng say với công việc", ông Thành nói.