Chuyện ly kì về 'Rái cá' mù ở biển Tây Nam

Giữa trưa, tiếng gió rít mạnh, thổi ầm ầm hai bên bờ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người đàn ông mù lặn bắt cua, cá bằng tay không chẳng khác gì người sáng mắt…

Về xứ biển Ba Hòn Cò (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí hối hả, tất bật của bà con nơi đây cho vụ thu hoạch hải sản cuối năm. Ở đây, hỏi thăm ông Chín Liều (Vương Hoài Ân - 58 tuổi) ai cũng biết. Bởi, người đàn ông mù từ nhỏ nhưng có biệt tài lặn biển bắt cua, cá thuần thục như 'rái cá'. 

Chuyện ly kì về Rái cá mù ở biển Tây Nam - 1

Ông Chín Liều vui mừng khi lặn bắt được hải sản ở dưới biển

"Vua lặn biển"

"Cái khó nhất đối với tôi là những việc mình chưa từng làm. Còn những gì đã làm thì không khó. Tôi dự định bám nghề thêm 10 năm nữa nhưng không biết sức khỏe của mình có cho phép hay không. Vì tôi ráng tích cóp một số tiền để lo cho cháu ngoại ăn học tới nơi tới chốn" - Ông Chín Liều tâm sự.

Tiếng xe máy dừng đột ngột sau lưng, tôi thoáng nghe câu nói của ông lão mù dặn cô gái: "15 giờ đến chỗ cũ để đón ba". Thân hình rắn rỏi, săn chắc, ít ai nghĩ rằng người đàn ông đó hơn 30 năm lặn biển trong bóng tối. Không có ống hơi, đồ bảo hộ, đồ nghề của ông lão mù này rất đơn sơ chỉ có bao tay, tấm lưới, thùng tự chế đựng hải sản, cây búa đập hàu và một chai nước uống.

Đứng trên bãi biển, ông lão mù lấy một đầu sợi dây thừng buộc vào thùng đựng hải sản, đầu còn lại buộc vào người. Sau đó, ông bơi ra xa cách mé bờ chừng vài chục mét, hít một hơi thật sâu rồi lặn xuống biển.

Gió bấc thổi mạnh, sóng trên mặt biển ở Ba Hòn Cò đánh mạnh hết đợt này đến đợt khác. Tôi nhìn theo chiếc thùng nổi nhấp nhô trên mặt biển để dõi theo ông.

Ít phút sau, ông Chín Liều ngoi lên mặt nước với vẻ mặt hớn hở như vừa nhặt được báu vật. Một tay ông vuốt mặt, tay còn lại cầm con cua đá "khủng" đang ngoe nguẩy để tìm cách thoát thân khiến nhiều người trên bờ ngỡ ngàng, thán phục.

Ông Chín Liều chia sẻ: "Ở dưới biển có nhiều loại đá như: san hô, đá dĩa, gai,... Đối với con cá có vảy thì ở hang có sình. Cá không vảy thì ở hang không có sỏi. Khi dưới nước, mình chỉ cần chạm vào là phân biệt được cá đó là cá gì để có cách bắt.

Đối với một số loại cá có gai như: Cá mú, cá ngát,… để bắt được chúng, tay phải để sát dưới mặt đất và bắt ngược lên. Khi đó, 2 ngón tay của mình lọt vào mang nên cá không thể vùng vẫy được. Đó là bắt cá, còn khi phát hiện có cua trong hang, tôi luồn cuộn lưới quấn sẵn to bằng cái nắm tay đưa vào. Lúc cua kẹp vào cuộn lưới thì mình chụp hai càng kéo ra. Có khi cua gãy càng bỏ chạy, mình phải nghe nó chạy hướng nào để dùng chân thu phục".

Chuyện ly kì về Rái cá mù ở biển Tây Nam - 2

Chị Vương Thị Kim Vui sửa soạn đồ nghề chở ông ra bãi biển cách nhà hơn 2km để bắt hải sản.

Theo lời ông Chín Liều, hơn 30 năm mưu sinh bằng nghề này nên ông đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Nhớ cái thuở mới đi lặn biển, ông chỉ bắt được nghêu, sò… rồi dần dà bắt được cua, cá, mực. Trung bình mỗi ngày ông bắt được từ 5 - 6 ký cua, ghẹ, cá, sò… con ông đem ra chợ bán bình quân cũng được 150.000 - 300.000 đồng. Tuy nhiên, những lúc biển động chẳng bắt được con nào, ông Chín Liều nằm nhà mà nhớ mùi biển.

Mang danh Chín Liều

Chia sẻ với Tiền Phong, ông Chín Liều cho biết, năm lên 7 tuổi, ông bị mắc bệnh khiến đôi mắt mờ dần. Rồi đến năm lên 22 tuổi, mắt ông không còn nhìn thấy nữa. Thời đó, gia đình nghèo lại đông anh em. Ba mẹ cũng cố gắng chạy chữa nhưng không khỏi nên ông chấp nhận sống chung với mù lòa và tìm cách sống tự lập.

Nhưng nghĩ đến hoàn cảnh, ông Chín Liều xin các anh cho tập đi biển. Ban đầu, ông xuống bãi biển đánh cá trích, giăng câu gần bờ cho quen dần. Tất cả mọi thứ chỉ sờ và cảm nhận qua đôi tay. Sau đó, ông mới xin đi đánh cá lưới khơi.

"Lúc đầu mấy ổng không cho đi, sợ nguy hiểm. Tôi năn nỉ lắm mới được. Khi tàu ra ngoài khơi sóng biển dữ lắm nên việc đi đứng rất khó khăn. Cũng có lúc tôi lao đầu xuống biển. Nhưng rồi đi riết thành quen", ông Chín Liều cười rổn rảng.

Dần dà, đi trên ghe cá vững vàng, lặn giỏi hơn nên gia đình mới cho ông ra khơi xa. Trong một lần đi câu ở đảo Thổ Chu, ông đã "tả xung hữu đột" để "thu phục" con cá mú khổng lồ mắc câu.

"Có lúc trời lạnh, thấy ông lên bờ hai chân run run nhìn thấy nhói lòng. Ở đây, ai cũng quý ông Chín Liều nên mỗi khi ông bắt được cua, cá, người dân đều mua lại với giá cao hơn để giúp ông có tiền trang trải cuộc sống"- ông Huỳnh Văn Do.

Kể về "trận đánh kinh điển", ông Chín hồ hởi: "Hôm đó, tàu câu của tôi ở khơi xa. Cá mú lớn dính câu, kéo sợi dây căng cứng. Lúc này sóng đánh ào ào, gió giật rất mạnh, tàu lắc lư dữ dội. Tôi nhanh tay cột cục chì 6kg vào mình và đeo bình hơi để chìm nhanh xuống biển. Hai tay men theo dây câu, lặn xuống đáy biển bắt cá.

Cá mú dính câu nằm trong hang đá ghìm lại. Phải mất khoảng mươi phút tôi mới kéo nó ra khỏi hang. Lúc này phía trên tàu một số người kéo dây câu lên. Độ sâu tui xuống lúc đó khoảng trên 30m. Con cá mú lúc đó nặng khoảng 50kg. Vùng biển đó sâu, có cá mập. Xong đợt đó, tôi có danh Chín Liều luôn. Hiện lưỡi câu cá mú tới giờ tôi vẫn còn giữ như kỷ niệm một lần trong đời đánh cược bắt cá khủng".

Hơn 30 năm lênh đênh trên biển, khi lớn tuổi, ông về huyện Kiên Lương sống. Tại đây, ông Chín Liều lại một mình lặn bắt cá, mò cua nhưng cũng có lần ông mất phương hướng bị sóng cuốn ra xa.

"Cách đây mấy năm, do mê lặn bắt ốc mà tôi bị đi lạc ra xa. Hôm đó sóng to, gió mạnh, tôi nghe tiếng sóng vỗ vào trụ điện ngoài khơi mà cứ ngỡ là gần bờ nên men theo hướng đó. Đi càng ngày thấy càng sâu. Cũng may có tiếng máy nổ chạy ngang nên tôi nghe theo đó lần mò quay vô bờ, đến nơi cũng đã hơn 8 giờ tối", ông Chín Liều nhớ lại.

Biệt tài làm thơ

Ngôi nhà nhỏ nằm cách biển khoảng 2km là nơi gia đình ông Chín Liều sinh sống. Phía trước ngôi nhà, nhiều bài thơ do ông sáng tác được cô con gái in ra, đóng khung, treo một cách trang trọng.

Ông Chín Liều cười: "Ban ngày mò cua, bắt ốc. Tối rảnh rỗi tôi nằm nghe đài, giải trí bằng đọc thơ, kể chuyện. Vừa nói, ông Chín đọc bài thơ Mưa Mùa Đông do chính mình sáng tác: "Ba mươi năm trời làm cơn mưa bụi/ Đêm cuối cùng như một chuyến ra khơi/ Không có em làm rụi giấc mơ rồi/ Chiều lặng lẽ mây trôi về đảo ngóng/ Thu không đến mình anh sầu lẻ bóng/ Trăm năm rồi chỉ có mùa đông". Mặc dù không được đến trường nhưng đến nay, ông Chín đã sáng tác hơn 10 bài thơ các loại, chủ yếu dựa trên cảm hứng sau mỗi chuyến đi biển.

Nói về cuộc đời mình, ông Chín Liều kể: "Hồi còn trẻ, tôi cũng thương một cô cùng quê. Nhưng nghĩ lại cảnh mình bị mù, nghèo, lại không có sự nghiệp không biết sau này như thế nào, không lo được cuộc sống cho người ta nên tôi quyết định ở vậy cho tới giờ".

Không có vợ, ông Chín Liều đã nhận con nuôi là chị Vương Thị Kim Vui từ khi chị lên 10 tuổi. Chị Vui năm nay 36 tuổi, có cô con gái đang học lớp 5.

Chị Vui cho biết, ban đầu gia đình rất lo cho ba, sợ sẽ gặp nguy hiểm nhưng dần dà ba cũng quen với công việc này, nghỉ một ngày là không chịu được.

Quen biết với ông Chín Liều ngót 6 năm, ông Huỳnh Văn Do (61 tuổi - ngụ cùng địa phương) tâm sự: "Cuộc sống khó khăn, hàng ngày ông phải bươn chải kiếm tiền lo cho con, cháu. Ngoài công việc lặn biển bắt hải sản, ông Chín Liều còn biết đan lưới, cắm câu. Thậm chí, việc ông Chín không biết sử dụng điện thoại nhưng khi đi lặn biển, hễ đến giờ đã hẹn với con gái ở vị trí nào là ông sẽ ngoi lên bờ đứng đúng vị trí đó chờ con đến đón".

Theo Nhật Huy - Tiền Phong