Chuyện ít biết về nghề cấp cứu hầm lò ở vùng mỏ

Tại vùng mỏ Quảng Ninh có một nghề đặc biệt nguy hiểm, ít người biết đến, đó là nghề cấp cứu hầm lò. Khi xảy ra sự cố, thợ mỏ rút ra vị trí an toàn thì là lúc đội cấp cứu ngược vào nơi nguy hiểm.

Tại đường lò dài 400m của Khu vực Nghiên cứu thực nghiệm Cấp cứu mỏ, lúc này, độ nóng từ 45 - 50 độ, hàm lượng khí CO2 và CO lớn hơn rất nhiều với thực tế. Việc di chuyển trong điều kiện thiếu dưỡng khí, thiếu ánh sáng và phải thực hiện hàng loạt các thao tác chèn kích, củng cố độ giàng không cho đá lở... đồng thời cấp cứu cho công nhân bị nạn là điều rất khó khăn.

Với chuyên môn sâu, bản lĩnh vững vàng, 12 thành viên của tiểu đội 1 và 2 Trạm cấp cứu mỏ Uông Bí nhận lệnh chỉ huy, cẩn trọng từng thao tác, giải quyết sự cố thành công và nhanh chóng đưa nạn nhân ra ngoài an toàn.

Thoát khỏi hầm lò trong tiếng vỗ tay của đồng nghiệp, đội cứu hộ tháo mặt nạ và chiếc máy thở trợ nặng trĩu trên vai, ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi. Hoàn thành nhiệm vụ, những căng thẳng đã vơi đi, nụ cười cùng ánh mắt sáng lên trên gương mặt những “người lính cứu mỏ”.

Chuyện ít biết về nghề cấp cứu hầm lò ở vùng mỏ - 1

Việc di chuyển trong điều kiện thiếu dưỡng khí, thiếu ánh sáng và phải thực hiện hàng loạt các thao tác chèn kích, củng cố độ giàng không cho đá lở... cấp cứu cho công nhân bị nạn là điều rất khó khăn

Anh Đặng Xuân Thủy, Trạm Phó trạm cấp cứu mỏ Uông Bí cho biết: “Trước hết, chúng tôi phải có sức khỏe, phải có kiến thức, sự hiểu biết về khu vực xảy ra sự cố và dạng sự cố. Sau đó, sẽ chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhất của ngành nghề cứu hộ mỏ để giải quyết được sự cố, đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người thợ mỏ. Chúng tôi thường xuyên luyện tập giải quyết các dạng sự cố xảy ra trong các mỏ hầm lò như cháy, nổ khí, cháy lò, bục nước,... để có kinh nghiệm và bản lĩnh giải quyết các sự cố”.

Trải qua nghề làm thợ lò rồi làm chiến sỹ cứu hộ đã hơn 20 năm, anh Phạm Văn Triển, Trạm phó trạm cấp cứu mỏ Cẩm Phả quan niệm, người làm “nghề cứu mỏ” trước hết phải là một thợ lò thực thụ, bởi nếu không làm thợ thì làm sao có thể vào lò cứu hộ. Việc tìm ra nguyên nhân để xử lý sự cố, cứu người bị nạn trong hầm lò là điều cần thiết và quan trọng hàng đầu.

“Ngành cứu hộ cũng có những nỗi sợ, nhất thủy, nhì hỏa. Thủy ở đây là các sự cố liên quan đến nước như sự cố bục nước, hỏa là nguy cơ cháy mỏ, nổ khí rất nguy hiểm. Tất cả các đường đi, lối rẽ vào sân ga, hầm trạm, yêu cầu người làm công tác cứu hộ đều phải nắm rõ, lên kế hoạch di chuyển thiết bị, đặc biệt là phải cắt hệ thống điện ở những khu vực xảy ra sự cố đó để đảm bảo an toàn cho người lao động”, anh Phạm Văn Triển nói.

Chuyện ít biết về nghề cấp cứu hầm lò ở vùng mỏ - 2

Khoa mục "Sơ cứu ban đầu" tại hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ chuyên nghiệp năm 2020

Trong cứu hộ, thời gian quý hơn vàng vì đó là sự an nguy của đồng đội. Lần cứu hộ nổ khí năm 2008 tại Công ty than Khe Chàm, trong điều kiện nhiệt độ quá cao, hàm lượng khí độc lớn cùng quá trình làm việc dài với cường độ cao trong lò, nhân viên cứu hộ Trần Văn Thản thuộc Trung tâm đã hy sinh. 

Nếu không có lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm, yêu nghề, có lẽ những người "lính cấp cứu mỏ" như anh Triển đã khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

“Những người làm công tác cứu hộ chúng tôi luôn ghi nhớ 8 chữ Chuyên nghiệp – Kỷ luật - Đoàn kết - Nhân ái. Không ai có thể có bản lĩnh nghề nghiệp ngay được, những phẩm chất của người lính cứu mỏ được tôi luyện qua thời gian, trải nghiệm qua thực tế.

Đến nay, qua 42 năm thành lập, đến giờ phút này, chúng tôi khẳng định, có thể hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào trong hầm lò cũng như trong dân sinh do Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu”, anh Phạm Văn Triển cho hay.

Hàng ngày, những người lính cứu hộ mỏ phải luyện tập rất nhiều bài tập nặng như: lật lốp, kéo tạ, bật nhảy, đeo áo giáp trọng lượng 12 kg chạy sức bền... Mỗi tháng, các Trạm lại kiểm tra thể lực của chiến sĩ một lần, 6 tháng, Trung tâm sẽ sát hạch một lần. Chiến sĩ nào không đạt sẽ bị loại khỏi vòng thường trực ứng cứu sự cố.

Ông Hoàng Bạch Đằng, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin cho biết: “Trung tâm xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện rất tỉ mỉ với thời lượng trên 500 giờ/đội viên/năm. Tại khu Nghiên cứu thực nghiệm Cấp cứu mỏ của Trung tâm được bố trí tạo ra các dạng sự cố về điều kiện, không gian, lượng khí, nhiệt độ như sự cố thật xảy ra. Qua đó, không những rèn luyện về kỹ năng nghề nghiệp, điều đặc biệt là chúng tôi rèn luyện về tâm lý, tinh thần, ý chí cho những chiến sĩ đủ tỉnh táo, làm chủ tình huống để đạt được nhiện vụ cứu người, cứu tài sản cho xã hội”.

Ngoài việc thường trực tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống sự cố xảy ra tại các đơn vị ngành than, những “người lính cứu mỏ” còn thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn giao. Tiêu biểu như trong vụ giải cứu thành công 12 công nhân bị mắc kẹt tại dự án Thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) vào năm 2014, hay ứng cứu sự cố cháy Cung quy hoạch hội chợ và triển lãm Quảng Ninh... 

“Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, đó là khẩu hiệu mà những “người lính cứu mỏ” vẫn hàng ngày nhắc nhở bản thân. Vất vả, hiểm nguy, thậm chí phải đánh đổi cả bằng tính mạng nhưng không bao giờ lùi bước, những người công tác cấp cứu mỏ ,vẫn đang đồng hành, sát cánh cùng những thợ mỏ trong sự nghiệp sản xuất “vàng đen” cho Tổ quốc./.

Theo CTV Mai Linh/VOV-Đông Bắc