1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chuyện của những "y tá nghiệp dư" nơi bệnh viện

Phạm Công

(Dân trí) - Với mức lương từ 250.000- 400.000 đồng/ngày, công việc của những người phụ nữ làm nghề trông người ốm theo giờ đang khá "đắt khách" tại các bệnh viện ở Hà Nội.

Những giấc ngủ chập chờn

Vào nghề từ năm 2006 đến nay, chị Trần Thị Cúc 46 tuổi quê ở Sơn Dương, Tuyên Quang đã gắn bó 14 năm ở Bệnh viện Quân Y 108 (phố Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Cũng nhờ cái nghề này, chị đủ tiền để nuôi 2 cậu con trai học đại học.

Trao đổi với PV Dân trí, chị Trần Thị Cúc nói: “Đêm qua, bà cụ bệnh nhân chẳng ngủ tí nào. Tôi phải ngồi nói chuyện cả đêm. Bà cụ bị liệt mất nửa người. Đến giữa tháng này là tròn 7 tháng bà cụ nằm ở đây”.

Được biết, chị vào nghề sau một lần được người thân giới thiệu đi chăm người ốm tại bệnh viện. Đến nay, “cô y tá nghiệp dư” này chẳng còn nhớ nổi từng chăm sóc bao nhiêu bệnh nhân.

Chuyện của những y tá nghiệp dư nơi bệnh viện - 1

Chị Trần Thị Cúc với 14 năm làm nghề chăm sóc bệnh nhân thuê

“Người lâu nhất tôi từng chăm là hơn 1 năm, có người chỉ nửa tháng là được xuất viện. Nhưng có không ít người vào viện vài hôm thì đã mất. Làm nghề này thu nhập không cố định, tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân và hoàn cảnh gia chủ. Mức giá giao động từ 250.000 - 400.000/ngày” - chị Trần Thị Cúc tâm sự.

Theo chị Trần Thị Cúc, để làm được nghề này, cần nhất là sự chịu khó, khéo léo và thành thạo những kỹ năng cơ bản của điều dưỡng, chăm sóc bệnh nhân.

Ngoài ra, người làm nghề phải tinh ý để đoán được tính bệnh nhân, kiên nhẫn để lắng nghe những câu chuyện, không đầu không cuối của người bệnh và cũng phải biết nhẫn nhịn để ứng phó với sự khó tính của bệnh nhân và người thân bệnh nhân.

Công việc đem lại sự ổn định nhưng suốt 14 năm qua, không ít lần chị gặp chuyện dở khóc dở cười.

Chị Trần Thị Cúc kể lại: “Có lần tôi được thuê chăm một bà cụ hơn 70 tuổi bị tai biến. Vừa gặp mặt, bà cụ đuổi cả tôi và anh con trai về vì nghĩ rằng con cái không quan tâm mình mà thuê người chăm cho hết trách nghiệm. Gia đình họ có 1 người con, các cháu thì còn nhỏ, công việc thì bận nên tôi đành cố nhận”.

Mấy hôm liền bà cụ tự ái không ăn uống gì, chị Trần Thị Cúc phải dùng đủ cách nói chuyện làm thân bà mới chịu để chăm sóc. Sau 4 tháng bà cụ ra viện, chị cũng vui lây.

Theo chị Trần Thị Cúc, công việc này chỉ vất vả việc thức ngày thức đêm túc trực, những giấc ngủ chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, có những ca bệnh nặng phải thức trắng cả đêm. Nhiều người bệnh không thể vận động, ăn cháo qua ống sông, đi vệ sinh, tắm giặt tại chỗ, một tay chị làm được hết.

"Công việc hàng ngày của chúng tôi không đơn thuần là trông nom mà còn cả một phần việc như của người y tá, như: Tắm giặt, vệ sinh cá nhân, thay băng gạc, thay bình truyền nước, cho bệnh nhân uống thuốc, đi mua đồ ăn, bỉm, sữa, theo dõi tình hình sức khoẻ để báo bác sĩ điều trị,...." - chị Trần Thị Cúc chia sẻ thêm.

Nghề kén người

Đến Bệnh viện hữu nghị Việt - Xô (phố Trần Khánh Dư, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), người nhà bệnh nhân chỉ cần hỏi những người bán nước về nhu cầu chăm sóc bệnh nhân là một loạt các đầu mối được đưa ra. Những người phụ nữ làm nghề này thuê nhà trọ quanh bệnh viện để lúc có khách là có mặt ngay.

Chị Lê Thị Hương, quê ở Ba Vì, Hà Nội là một người làm nghề trông bệnh nhân ở đây. Với hơn 6 năm làm kinh nghiệm, chị Lê Thị Hương cho biết: “Công việc chăm người ốm bình thường thì có mức giá 250.000 đồng/ngày, người ốm nặng thì 300.000 đồng. Còn người không thể vận động, phải chăm sóc tất cả các công đoạn trong quá trình khám bệnh, sinh hoạt thì tôi lấy 400.000 đồng/ngày”.

Chuyện của những y tá nghiệp dư nơi bệnh viện - 2

Chị Lê Thị Hương cùng một người khác làm nghề này đang chờ khách tại khu vực Bệnh viện hữu nghị Việt - Xô

Trước khi vào nghề chăm bệnh nhân, chị Lê Thị Hương làm nghề nông tại quê hương Ba Vì. Cơ duyên đến với nghề từ năm 2013, chồng chị ngã xe phải điều trị nội trú tại đây. Chồng ra viện, chị quyết định ở lại để nhận khách hàng đầu tiên là một bệnh nhân khác nằm cùng khoa với chồng mình.

Từ khi làm chuyên nghề này, mỗi năm, chị Lê Thị Hương chỉ về quê khi đỗ giỗ bố mẹ và 3 ngày Tết. Mọi người trong gia đình cũng quen dần với việc chị vắng nhà.

Khi được hỏi về kinh nghiệm làm nghề, chị Lê Thị Hương đáp: “Làm lâu dần nó thành quen, các chỉ số trên máy thở hiện đại nhất tôi còn thuộc hết. Khi máy báo như nào là bệnh nhân thiếu gì, tôi đều lắm được để mà gọi bác sĩ”.

Tại bệnh viện Bạch Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội), chị Hoàng Ngọc Thuý quê ở Cẩm Khê, Phú Thọ cũng đã có 10 năm trong nghề.

Để có lượng khách hàng thường xuyên, chị Thuý cho biết: “Mình làm lâu là các bác sĩ họ quen rồi gửi số điện thoại ở đấy nhà ai cần thì bác sĩ cho họ số. Trông người bị liệt hoặc hôn mê là sợ nhất vì mình phải chăm chút từng li từng tí một từ cho ăn uống đến tắm giặt, vệ sinh cá nhân, theo dõi từng nhịp thở, từng tiếng máy kêu”.

Đối với người còn tỉnh táo thì nhẹ nhàng hơn, công việc chính là hỗ trợ họ trong công việc nhưng thu nhập cũng ít hơn.

Chuyện của những y tá nghiệp dư nơi bệnh viện - 3

Chị Hoàng Ngọc Thuý bán hàng rong những lúc không có người nhà bệnh nhân thuê chăm sóc 

"Nhiều năm làm nghề tôi gặp không ít trường hợp gia đình có bố mẹ nằm viện nhưng con cái sợ không vào chăm được nên đi thuê. Cũng có nhiều gia đình vì phải chăm người ốm trong thời gian dài, kiệt sức mà tìm đến chúng tôi. Đáng buồn nhất là những gia đình đông người, nhưng con cái tị nạnh nhau việc trông nom người thân. Họ góp tiền vào để thuê người trông..." - chị Hoàng Ngọc Thuý tâm sự.

Cũng theo chị Hoàng Ngọc Thuý, nghề này không phải ai cũng làm được, nhiều lần chị giới thiệu cho người cùng quê xuống làm nhưng được vài buổi lại bỏ về. Những người không kiên trì, mất bình tĩnh hay sợ máu, sức khoẻ yếu là không thể làm được cái nghề này.

Theo chị Hoàng Ngọc Thuý, nhiều người làm nghề chăm bệnh nhân thường gặp nhất là sự coi thường, nghi ngờ của người thân bệnh nhân cho rằng họ có thể bớt xén tiền, nói dối hoặc làm việc không tận tâm. Đây là điều khiến nhiều người làm nghề băn khoăn khi làm việc.

Mặt khác, những người làm nghề do tâm lý làm việc không lâu dài, nên không phải ai cũng dốc hết sức chăm sóc người bệnh. Cũng có trường hợp, người giúp việc tìm mọi cách moi tiền người nhà hoặc bệnh nhân, kể công, vòi vĩnh tiền thưởng khi bệnh nhân được ra viện.