Chuyện của những nữ quản giáo

Công việc hàng ngày của một nữ quản giáo tại trại giam Ninh Khánh (Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình) là “đánh thức mầm thiện” trong những tâm hồn tội lỗi, giúp những nữ phạm nhân tìm lại cuộc đời của chính mình…

Những người “đánh thức mầm thiện”

 

Trại giam Ninh Khánh là trại giam lớn thứ hai ở miền Bắc, số lượng phạm nhân luôn vượt ngưỡng 2.000, trong đó nữ phạm nhân chiếm tỷ lệ 1/4 và được tập trung ở phân trại 3. Tại đây, 25 nữ quản giáo đang gánh trên vai trách nhiệm thức tỉnh những con người bị khiếm khuyết một phần nhân cách, giúp họ phấn đấu từ bỏ quá khứ tội lỗi để trở thành người lương thiện. 

 

Thiếu úy Phạm Thanh Hoa năm nay 24 tuổi, là nữ quản giáo trẻ nhất của phân trại 3. Năm 2002, tốt nghiệp Trường trung cấp cảnh sát, Hoa về nhận công tác tại trại giam Ninh Khánh. Nữ quản giáo trẻ trung có khuôn mặt ưa nhìn, miệng cười rất duyên, nói về công việc của mình: “Hằng ngày, em được giao nhiệm vụ quản lý 20 phạm nhân lao động sản xuất an toàn. Ngoài việc giám sát các phạm nhân làm việc, nữ quản giáo như em còn tranh thủ nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ để cảm hóa...”

 

Công việc mới nghe qua tưởng như đơn giản nhưng trên thực tế, ở nơi trại giam được bao bọc bởi núi, tách khỏi vòng quay hối hả của cuộc sống này, Hoa và những nữ quản giáo như Hoa luôn phải gồng mình đối chọi với những hiểm nguy như phơi nhiễm bệnh lao, HIV/AIDS...

 

Các nữ quản giáo kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về quá trình cảm hóa phạm nhân tên A. Trước khi vào trại giam Ninh Khánh thụ án về tội cố tình gây thương tích cho người khác, A. đã có một thời gian dài sống trong Trường giáo dưỡng số 1 tại thị xã Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình). Vào trại thụ án, A. nhanh chóng nổi lên như một... “chị đại bàng” khét tiếng, thường xuyên bắt nạt các phạm nhân khác, nhiều lần vi phạm nội quy cải tạo.

 

Không nản lòng, thượng úy Tuyến thường xuyên tranh thủ hỏi han sức khỏe, gia đình của A., khuyên nữ can phạm này nên tích cực cải tạo tốt để sau này trở về hòa nhập với cộng đồng, sống tốt hơn. “Mưa dầm thấm đất”, nữ phạm nhân bướng bỉnh này nay đã yên tâm cải tạo, chăm chỉ lao động, học tập để chờ ngày ra trại.

 

Chị Tuyến tâm sự: “Mình thường nghiên cứu kỹ hồ sơ của từng can phạm để thấy rõ hành vi phạm tội cũng như gia cảnh, tâm tư tình cảm của họ; từ đó đề ra những cách tiếp cận, giúp đỡ họ tiến bộ. Quan trọng nhất là người quản giáo phải sống đúng mực và lấy cái tình để khơi dậy mầm thiện trong những tâm hồn tội lỗi”. 

 

Cây tình yêu đơm hoa kết trái

 

“Thóc đâu bồ câu đó” là câu nói cửa miệng của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại trại giam Ninh Khánh khi đề cập tới chuyện yêu đương, cưới xin ở đây. Một cách nói hài hước nhưng lại rất sát thực tế, bởi phân trại 3 có 25 nữ quản giáo thì 23 người đã yên bề gia thất, một người đang đợi ngày lành tháng tốt để lên xe hoa về nhà chồng, chỉ còn lại cô em út Phạm Thanh Hoa vẫn là “lính phòng không”.

 

Trong số đó, chỉ vài người tìm bến đậu cuộc đời mình với các chàng trai ở nơi khác, còn lại đều lấy chồng là đồng nghiệp đang công tác trong trại giam này. Tình yêu nảy nở trong công việc và đơm hoa đẹp, kết trái ngọt. Có mặt tại đây, chúng tôi đã được kể cho nghe những câu chuyện hẹn hò, tỏ tình, cưới xin đặc biệt thú vị.

 

Như thượng úy Nguyễn Thị Kim Tuyến “bật mí”: “Một lần sinh hoạt Đoàn, em và anh ấy cùng chung quan điểm về chủ đề đang thảo luận, rồi cảm mến nhau, rồi yêu nhau. Tình yêu của bọn em đơn giản chỉ có vậy”. Chị còn kể, giống như bao đôi khác ở đây, chị và Toàn (chồng chị bây giờ) thường hẹn hò, tâm tình, sẻ chia những câu chuyện vui, chuyện buồn ở... hội trường. Một phần vì chẳng có chỗ hẹn hò nào khá hơn, phần khác cũng để công khai mối quan hệ và báo cáo với tổ chức rằng “chúng em yêu nhau, mong tổ chức tạo điều kiện giúp đỡ”.

 

Tình yêu của trung úy Nguyễn Hồng Hạnh với người cán bộ quản giáo Nguyễn Văn Toán ở phân trại 1 cũng chớm nở nơi hội trường, lớn dần lên cũng từ hội trường. Hạnh tâm sự: “Vợ chồng em đã xác định gắn bó cuộc đời mình với công việc quản giáo ở đây. Em vui vì hạnh phúc gia đình đã tạo điều kiện để cả hai đứa hoàn thành nhiệm vụ”.

 

Theo Quang Duẩn - Minh Sang

Thanh Niên