1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chương Mỹ được mùa bưởi Diễn

Những ngày cuối năm, vùng bưởi Diễn Chương Mỹ tấp nập, hối hả hơn bao giờ hết, bởi sau 2 vụ thất thu liên tiếp, niềm vui được mùa đã trở lại với các chủ vườn nơi đây.

Thu 500 triệu đồng/ha

Chưa năm nào vườn bưởi Diễn của anh Phùng Văn Hà, ở khu Đồng Bưởi, xã Nam Phương Tiến lại sai quả như năm nay. Hiện tại, anh Hà có 1.000 gốc bưởi đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 6 vạn quả. Với giá bán (tại vườn) 25.000 đồng/quả, trừ các khoản chi phí, anh cầm chắc trong tay 1 tỷ đồng tiền lãi.

Anh Hà chia sẻ: “Được mùa bưởi mà tôi cứ ngỡ như là mơ vì đã 2 năm liên tiếp phải chứng kiến cảnh bưởi tốt cây mà không cho quả”. Cách đó không xa, vườn bưởi Diễn 200 gốc của hộ anh Nguyễn Hải Sơn cũng nức tiếng cả vùng vì trong vườn đang sở hữu cây bưởi có tới 150 quả.


Mô hình trồng bưởi Diễn của anh Nguyễn Hải Sơn, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ cho hiệu quả và kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc.

Mô hình trồng bưởi Diễn của anh Nguyễn Hải Sơn, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ cho hiệu quả và kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc.

Toàn huyện Chương Mỹ hiện có 460ha bưởi Diễn, tập trung tại 7 xã, thị trấn, trong đó nhiều nhất là xã Nam Phương Tiến với diện tích 150ha. Năm nay, nhờ được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ mạnh về khâu kỹ thuật mà năng suất bưởi của vùng đồi gò Chương Mỹ đã được cải thiện rõ rệt, bình quân đạt 20 tấn/ha.

Với giá bán dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/quả, các mô hình trồng bưởi cho giá trị thu nhập trung bình đạt 500 triệu đồng/ha. Song, điều đáng mừng nhất là người trồng bưởi Chương Mỹ đã chủ động xử lý được các tình huống do thời tiết bất thuận gây nên và xóa đi nỗi lo mất mùa.

Phát triển vùng chuyên canh bền vững

Lý giải về hiện tượng mất mùa bưởi Diễn ở Chương Mỹ, các chuyên gia nông nghiệp đã chỉ ra nguyên nhân do địa phương chỉ độc canh giống bưởi Diễn tôm vàng. Trong khi đặc thù của giống bưởi Diễn tôm vàng là sức sống hạt phấn kém, gặp thời tiết bất thuận thì hoa bị rụng nhiều, tỷ lệ thụ phấn, đậu quả thấp dẫn đến năng suất không ổn định, thậm chí là mất mùa.

Thực tế cho thấy, tại Chương Mỹ, không ít hộ trồng bưởi đã chán nản, bỏ bê việc đầu tư chăm sóc khiến vườn bưởi bị suy thoái, sinh trưởng kém, sâu bệnh gây hại nặng. Để khắc phục tình trạng này, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ và các nhà khoa học đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực.

TS Cao Văn Chí – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Rau quả T.Ư) khuyến cáo, để đảm bảo cây bưởi cho năng suất quả ổn định, người trồng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật: Tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, kích thích ra hoa, thụ phấn bổ sung.

Tuyệt đối không được bỏ qua bất cứ một biện pháp nào vì cây bưởi Diễn là loại cây khó tính. Trong đó, quan trọng nhất là tăng khả năng thụ phấn chéo cho cây bằng phương pháp trồng xen trong vườn một số giống bưởi khác như bưởi Diễn trái chum, bưởi chua, bưởi đỏ Tân Lạc…

Theo ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nên diện tích trồng bưởi Diễn tại các vùng bưởi truyền thống ngày càng bị thu hẹp. Xác định bưởi Diễn là một trong 4 loại cây ăn quả chủ lực của Hà Nội, ngành nông nghiệp TP phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có 3.000ha bưởi và phát triển đa dạng hóa các giống bưởi.

Do đó, giai đoạn 2016 – 2020, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng vùng bưởi Chương Mỹ trở thành vùng chuyên canh bưởi Diễn phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao.

Theo Báo Kinh tế đô thị