Chuẩn bị nguồn điều dưỡng viên xuất sang Nhật Bản

(Dân trí) - Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội vừa gửi công văn yêu cầu một số địa phương chuẩn nguồn điều dưỡng viên đạt chất lượng để xuất khẩu sang Nhật Bản, theo đơn đặt hàng mới từ nước này.

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Ngài Yoshihiko Noda, Thủ tướng Nhật Bản đã trao đổi với nhau nhiều vấn đề liên quan đến Hiệp định về Đối tác kinh tế giữa 2 nước, trong đó vấn đề về Di chuyển thể nhân, cụ thể là việc Nhật Bản tiếp nhận các ứng viên điều dưỡng viên và hộ lý đủ tiêu chuẩn từ Việt Nam đã được quan tâm hàng đầu cùng với vấn đề năng lượng hạt nhân.

Theo đó, Nhật Bản đã đồng ý tiếp nhận ứng cử viên điều dưỡng viên (trước đây gọi là y tá) và hộ lý Việt Nam nếu đủ tiêu chuẩn tiếng Nhật và chuyên môn mà phía bạn yêu cầu. Ngoài ra, thời gian làm việc cũng được kéo dài hơn, 3 năm đối với y tá và 4 năm với hộ lý (trước đây, các tu nghiệp sinh Việt Nam chỉ được phép làm việc tối đa là 3 năm là phải về nước).
 
Bên cạnh đó, phía Nhật Bản đồng ý tiếp nhận ứng viên hộ lý là học sinh tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng (hệ 2 năm) với điều kiện được học bổ sung một số môn học về điều dưỡng, chăm sóc người già tương đương với chương trình của Nhật Bản.
Chuẩn bị nguồn điều dưỡng viên xuất sang Nhật Bản - 1

Nhật Bản sẵn sàng tiếp nhận nguồn điều dưỡng viên từ Việt Nam sang làm việc. (Ảnh minh họa)

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội cho biết thêm, ngoài việc đồng ý tiếp nhận nhiều lao động đến từ Việt Nam, phía Nhật Bản cũng dự kiến triển khai chương trình đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam từ đầu năm 2012.

Chuẩn bị lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản, Cục vừa có công văn đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Bạc Liêu, Long An và Cà Mau chuẩn bị 20 ứng viên/ tỉnh để tham gia đợt tuyển chọn (10 người/tỉnh) đi tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình hợp tác.

Cục yêu cầu các địa phương nêu trên cần có phương án tuyển chọn chặt chẽ, lựa chọn những ứng viên đủ tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu về thể lực, khả năng tiếng Nhật, có tư cách đạo đức, ý thức kỷ luật tốt và có quyết tâm cao để tham gia chương trình.

Thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài, hiện nay có khoảng 18.000 tu nghiệp sinh (TNS) Việt Nam đang tu nghiệp tại Nhật Bản, riêng 6 tháng đầu năm 2011, có khoảng 3.000 TNS Việt Nam đang làm việc tại đất nước này, chủ yếu trong lĩnh vực: cơ khí, may mặc, điện tử, nông nghiệp, chế biến thủy sản...

Được biết, thu nhập bình quân của mỗi TNS khoảng 80.000 –-100.000 yên/tháng, tương đương 900 - 1.000 USD/tháng (hơn 20 triệu đồng/tháng/người).
 
P. Thanh