Chủ vườn hé lộ bí mật phía sau những cành đào dáng huyền gây sốt
(Dân trí) - Đoạn video ghi cảnh anh Dũng leo lên cây đào, đánh đu để vít cành xuống, uốn cong thu hút hàng triệu lượt xem. Ít người biết về quy trình chăm sóc để có những cành đào dáng huyền giá tiền triệu đó.
Vườn đào huyền gần nửa tỷ đồng
Trong những ngày qua, đoạn video ghi cảnh một nam thanh niên đu người lên cây đào để kéo cành xuống, tạo thành đường cong giống dáng huyền thu hút hàng triệu lượt xem. Chủ nhân đoạn video là một chủ vườn chuyên trồng đào tiết lộ, đây là một trong công đoạn làm nên những cành đào dáng huyền đặc trưng của Tết miền Bắc.
Video tạo không ít bất ngờ bởi nhiều người tưởng rằng cành đào dáng huyền là hoàn toàn tự nhiên, không phải do con người can thiệp. Số khác cho biết không ngờ cách tạo dáng đào này lại "thủ công", thợ uốn thế phải đu người lên cành để vít xuống như thế.
"Cành đảo mỏng manh như thế mà cả người đu kéo thế, nếu gãy cành thì sao?", một tài khoản có tên Đình Vỹ băn khoăn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Tiến Dũng, chủ nhà vườn thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, nhân vật chính trong video gây sốt những ngày qua, tiết lộ những kỹ nghệ nghề thú vị.
"Phải là người có kinh nghiệm, khéo léo mới đu lên cây như vậy được. Đào là cây có độ mềm dẻo nên thợ vườn cần khống chế lực vừa đủ để uốn cây. Thợ làm nhiều sẽ quen tay, nhưng cũng vẫn có tỷ lệ hư hỏng nhất định. Như tôi, khi uốn khoảng 800 cây cũng bị gẫy 8-9 cây", anh Dũng cho hay.
Năm 2015, anh Dũng xuống vườn đào Nhật Tân ở Hà Nội xin làm thợ học việc. Làm thuê khoảng 2 tháng, chàng trai gốc Phú Thọ tìm hiểu các kỹ thuật và kinh nghiệm trồng đào rồi trở về quê hương. Sau đó, anh tìm một người chú cũng làm đào lâu năm ở Thanh Sơn (Phú Thọ) học thêm cách làm hoa nở đúng Tết. Được người thầy tận tâm chỉ dẫn, anh Dũng tiếp tục tự tìm tòi học hỏi.
Ở quê nhà có sẵn khoảng một mẫu đất, anh thuê thêm 4.000m2 đất bên cạnh. Sau đó, anh khởi nghiệp với nghề trồng đào. Tổng diện tích nhà vườn hiện rộng chừng 7.000m2, anh Dũng đầu tư chỉ trồng đào rừng.
Năm 2020 là thời điểm bắt đầu xuất hiện những cành đào dáng huyền. Để có những cây đào dáng đặc biệt như vậy phải có cây phôi để uốn cành. Đây cũng là lúc anh Dũng đầu tư theo hướng này.
"Một cây đào dáng huyền có giá trị cao hơn hẳn so với những dáng bình thường khác. Ví dụ, một cây đào thường trồng trong 3 năm, chăm sóc cắt tỉa kỳ công nhưng khi bán cành tại vườn chỉ có giá từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng. Trong khi đó, đào dáng huyền có giá trị cao gấp 2-3 lần".
Chỉ tính trong đợt Tết Nguyên Đán vừa qua, vườn nhà anh Dũng xuất ra thị trường khoảng 300 cây đào dáng huyền thành phẩm. Nhẩm tính tổng thu nhập cả năm bao gồm cho thuê đào rừng và bán cây tại vườn, anh Dũng ước tính nhận về khoảng 400 triệu đồng.
Rót sức 2-3 năm mới được cành đào
Tuy nhiên phía sau những cây đào dáng huyền đẹp để trưng ngày Tết là cả một hành trình dài chăm sóc kỳ công vất vả. Người thợ làm vườn phải trồng phôi từ nhỏ nuôi thành cây thẳng cao 4-5m trong vòng 2-3 năm.
Mỗi cây được chăm chút cẩn thận, phun thuốc định kỳ tầm 4-5 ngày một lần để thân thẳng, đạt chiều cao như mong muốn. Anh Dũng lưu ý, cây phôi phải trồng ở khoảng cách không mau không thưa, cách nhau tầm 1m giúp cây lớn vọt. Khi cây đạt tán cao nhất định, nhà vườn sẽ đánh giãn và trồng cách nhau 2m một cây để đào có tán và ra nhiều hoa.
"Đào rừng dáng huyền có giá cao trên thị trường nhưng cũng nhiều rủi ro. Do đặc thù cắt cành để bán nên nếu ế hàng sẽ thành củi khô, không thể mang về trồng lại được nữa", chủ vườn nói.
Nhiều người xem video rồi cho rằng "uốn đào dáng huyền quá dễ, chỉ việc đu người lên cây uốn là xong", chủ vườn nghe xong chỉ cười trừ.
"Để có dáng huyền, mỗi cây đào phải uốn khoảng một năm mới vào dáng. Thông thường sẽ có những bước cơ bản như chôn cọc cố định, chọn chiều cao của cây để tiến hành uốn. Không phải một lần uốn là cây sẽ vào dáng luôn. Khi uốn luôn cần 2 người, trong đó một người đu lên cây vít cành xuống còn người kia lấy dây buộc vào cọc để giữ dáng.
Bước cuối cùng là đẩy ngọn. Khi này, cành đào sẽ phát triển theo hướng đi ngang. Đôi khi thị hiếu của khách thay đổi theo từng năm. Có lúc thị trường lại thích những cành có độ cong vươn lên. Bởi vậy, chủ vườn phải lắng nghe, tham khảo ý kiến của khách để thay đổi", anh Dũng giải thích.
Vài năm trở lại đây, nhờ hiệu ứng từ mạng xã hội, vườn đào được biết tới nhiều hơn nên anh Dũng bán luôn trực tiếp tại vườn, không cần mất công chở ra ngoài bãi bán như trước. Anh bán cả cho cả khách lẻ (800.000 đồng - 900.000 đồng/cành tùy từng thời điểm) và khách buôn (600.000 đồng - 700.000 đồng/cành).
Sau thắng lợi của đợt Tết vừa qua, anh Dũng dự kiến năm tới sẽ bán ra thị trường khoảng 1.000 cành dáng huyền và cho tiếp tục cho thuê những gốc đào rừng cổ, ước tính mang về nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng.