1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chú trọng công tác phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động

(Dân trí) - “Từ năm 2006 - 2013, hơn 5.300 người tử vong do tai nạn lao động trong khu vực tham gia BHXH, hơn 40.000 người bị suy giảm khả năng lao động trên 5%. Việc cần làm hiện nay là tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ”

Chú trọng công tác phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá tại buổi công bố bổ sung quy định, chức năng của Trung tâm huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động (Cục An toàn lao động) sáng 17/11 tại Hà Nội.

Con số tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp chứng tỏ người lao động không được đào tạo kiến thức ATVSLĐ thỏa đáng, công tác thanh kiểm tra chưa hiệu quả.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh tới số lượng nhiệm vụ của Trung tâm được nâng từ dưới 10 trước kia lên 16 nhằm đáp ứng những yêu cầu mới trong tình hình hiện nay. Điều này thể hiện sự điều chỉnh về nhận thức trong công tác phòng chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

“Trong Dự thảo Luật ATVSLĐ đang xin ý kiến Quốc hội, quan điểm mới chú trọng nhiều về phòng ngừa hơn là giải quyết sự cố. Sau khi giải quyết sự cố, việc bố trí chuyển đổi công việc cho lao động cũng sẽ được quan tâm bên cạnh nội dung chi trả trợ cấp” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Muốn làm tốt được việc này, bên cạnh trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, người lao động phải tự ý thức được cái gì nên làm và không nên làm. Điều này có nghĩa là người lao động cần phải được huấn luyện trước khi tham gia vào quá trình làm việc. Kể cả những lao động tự do, lao động nông nghiệp - những lĩnh vực mà trước đây ít được quan tâm.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu
Diệp
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp

“Có như thế, chúng ta mới có thể tính tới câu chuyện xa hơn là năng suất lao động mới được đảm bảo” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) - cũng thừa nhận thực tế: Trước đây, chúng ta nói nhiều tới an toàn trong lao động, nhưng môi trường lao động chưa được quan tâm nhiều. Cụ thể là việc ngăn chặn trước, phát hiện sớm những nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Công tác tuyên truyền cần nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp về người lao động - tài sản quý nhất của mình. Chính vì vậy, họ phải tạo điều kiện để lao động yên tâm sản xuất an toàn và không rời bỏ doanh nghiệp vì lý do mất ATLĐ, bệnh nghề nghiệp.

“Trung tâm với những chức năng mới sẽ là đầu mối chỉ đạo công tác đào tạo, huấn luyện kiến thức ATVSLĐ trong cả nước. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường công tác xã hội hóa vì đội ngũ lao động rất đông. Cả nước hiện có tới 53 triệu lao động, trong đó chỉ khoảng 1/3 đang làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp” - ông Hà Tất Thắng cho biết.

Theo kế hoạch, Trung tâm huấn luyện ATVSLĐ (Cục An toàn Lao động) sẽ được đầu tư trở thành Trung tâm Huấn luyện Quốc gia về ATVSLĐ, có khả năng đào tạo tập trung hơn 300 học viên. Trung tâm là đầu mối nghiên cứu khoa học và đào tạo hàng đầu trong cả nước trong nghiên cứu, đào tạo kiến thức về ATVSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp…

Hoàng Mạnh