Kon Tum:
Chủ trại sầu riêng gốc Hà Nội thu lãi 15 tỷ đồng mỗi năm
(Dân trí) - Nhiều năm qua, ông Bùi Văn Quyển cần mẫn chăm sóc trang trại sầu riêng rộng hàng chục hecta. Năm nay, ông Quyển thu về hơn 15 tỷ đồng, đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Từ những năm 1990, ông Bùi Văn Quyển (56 tuổi) rời quân ngũ rồi khăn gói từ TP Hà Nội vào vùng đất hoang hóa ở xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, Kon Tum lập nghiệp.
Với bản chất người lính, chịu khó, ông Quyển cần mẫn khai khẩn đất đai, ươm lên những mầm xanh trên mảnh đất đầy bom đạn. Năm 1995, ông Quyển làm đơn xin huyện Sa Thầy khai hoang 30ha đất. Sau đó, ông dành ra 5ha để trồng cao su.
Ông Quyển cần cù chăm bón cho vườn cao su với hy vọng kinh tế sẽ khấm khá trên vùng đất mới. Không phụ lòng người, năm 2004, cao su đã cho thu hoạch đợt đầu tiên.
Vì là cây trồng mới, đầu ra hạn chế nên thu nhập từ cây cao su chưa cao. Từ năm 2012 đến 2016, cao su trượt giá liên tục khiến cho gia đình ông lâm vào cảnh túng thiếu.
Với quyết tâm thay đổi, ông Quyển mạnh dạn trồng thêm sầu riêng với cây giống từ Đăk Lăk, Đăk Nông.
"Thời đó, người dân trồng vài cây sầu riêng để ăn, chứ chưa ai dám trồng để kinh doanh. Phần nữa, sầu riêng là cây dài ngày, nếu thất bại thì công sức chăm sóc nhiều năm trời thành công cốc.
Suy tính, tôi cũng đánh liều chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. Đến nay, tôi đã gây dựng hơn 20ha sầu riêng.", ông Quyển cho hay.
Ông Quyển đang trồng 2 loại sầu riêng đó là Monthong Thái Lan và Ri6. Đây là 2 giống sầu riêng cơm vàng hạt lép nổi tiếng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Ông còn trồng thêm cao su và một số loại cây ăn trái như mít, cam, quýt, xoài.
Để thuận tiện trong việc chăm sóc, ông đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt Israel cho toàn bộ diện tích cây trồng. Nhờ vậy, phân, nước có thể đến từng gốc cây.
Ông thường sử dụng phân bò trộn với vỏ cà phê và chế phẩm sinh học ủ cho hoai mục rồi bón cho cây. Ông Quyển còn đầu tư khoan giếng, tích nước trong các hồ chứa để lắp đặt đồng bộ hệ thống tưới nhỏ giọt.
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất nông sản sạch nên chất lượng sầu riêng ở vườn ông Quyển luôn vượt trội, được nhiều công ty, doanh nghiệp nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài đến đặt mua.
Ông Quyết bộc bạch, để sầu riêng phát triển bền vững, ông luôn học hỏi, trau dồi kỹ thuật và tuân thủ quy trình chăm sóc hữu cơ. Trải qua thời gian dài tích lũy, ông Quyển tự rút được nhiều kinh nghiệm, giảm thiểu sự can thiệp bằng thuốc trừ sâu, phân hóa học với đất đai, cây trồng. Ông Quyển quan niệm, sử dụng phân hóa học nhiều khiến đất đai bị thoái hóa.
Cuối năm 2022, diện tích sầu riêng của gia đình ông đã được Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong vụ đầu tiên thu hoạch sầu riêng năm 2022, gia đình ông thu về được khoảng gần 4 tỷ đồng.
Vụ thu hoạch năm 2023, 15ha sầu riêng của ông đã cho năng suất khoảng 300 tấn. Sau khi trừ đi các chi phí, gia đình ông thu về khoảng 15 tỷ đồng.
"Vụ thu hoạch sầu riêng năm nay do thời tiết thất thường nên trái non rụng nhiều, năng suất giảm. Tuy nhiên, giá bán sầu riêng lại tăng mạnh khiến các nhà vườn đều trúng lớn.
Ngay từ đầu vụ, thương lái đã đặt cọc mua gom cả vườn, giá 74.000 đồng/kg. Nhờ vậy, gia đình tôi có lãi lớn và trang trải được chi phí đầu tư thời gian qua", ông Quyển phấn khởi nói.
Ông Quyển còn sở hữu khoảng 10ha cao su lấy chi phí chăm sóc những vườn sầu riêng đang trưởng thành. Nguồn thu nhập từ cây cao su cũng giúp ông có hơn 350 triệu đồng mỗi năm.
Nhờ chịu khó, ông Quyển xây dựng được trang trại rộng hàng chục ha. Đồng thời, ông cũng được bình chọn là một trong 100 gương mặt nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Bà Phạm Thị Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ya Ly (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), cho hay, từ những diện tích cao su kém hiệu quả, ông Quyển đã mạnh dạn chuyển đổi qua trồng cây ăn quả với chủ lực là cây sầu riêng.
Vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, gia đình ông Quyển thành công và mang về thu nhập hàng chục tỷ đồng. Mỗi năm, ông tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, hỗ trợ hộ nghèo nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả. Ông Quyển còn đóng góp vào các hoạt động khác của địa phương như nông thôn mới, đóng góp quỹ an sinh xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân của địa phương.