Chủ tiệm nội thất ở TPHCM: Thu 100 triệu đồng/tháng vẫn không trụ nổi!
(Dân trí) - Doanh thu nhiều cửa hàng ở khu phố chuyên doanh đồ nội thất tại TPHCM đã giảm 60-70% so với năm trước. Một số cửa hàng dù doanh thu 100 triệu/tháng vẫn khó trụ nổi vì chi phí thuê mặt bằng quá lớn.
Sáng dọn ra, chiều dọn vô
Còn vài ngày nữa là sang năm mới, anh Vũ (40 tuổi), tiểu thương tại phố chuyên doanh đồ nội thất (đường Ngô Gia Tự, quận 10, TPHCM), ngồi thờ thẫn trên dãy ghế sofa tại cửa hàng.
Thỉnh thoảng, có khách vào hỏi mua, anh Vũ hào hứng ra mời chào nhưng rồi lại thất vọng khi khách rời đi mà quên "chốt đơn".
"Những năm trước, dịp cuối năm đáng lẽ là thời điểm đông khách nhất. Nhưng năm nay không hiểu vì sao vắng khách quá, doanh thu cũng giảm 60-70%", anh Vũ nói.
Theo anh Vũ, trước đây doanh thu của tiệm, đặc biệt vào các tháng cao điểm có thể hơn 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giờ đây doanh thu chưa đến 100 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các chi phí để duy trì hằng tháng gồm kho bãi, nhân viên,… đã ngốn hết 50-70 triệu đồng.
"Tiệm của tôi may mắn không phải trả tiền thuê mặt bằng nên vẫn có thể trụ được. Còn những tiệm phải thuê mặt bằng thì vất vả hơn nhiều. Phố nội thất này đa phần các cửa hàng đều là mặt tiền nên tiền thuê rất đắt, cộng thêm các chi phí khác thì vô cùng nhiều", nam tiểu thương chia sẻ.
Anh Vũ bộc bạch rằng tình hình kinh doanh khó khăn diễn ra khoảng 2 năm qua. Kể từ thời điểm bất động sản "đóng băng", các mặt hàng nội thất, trang trí nhà cửa cũng vắng người mua. Không những vậy, người dân thắt chặt chi tiêu sau giai đoạn Covid-19 khiến những đơn hàng giá trị lớn cũng hiếm đi, chỉ có thể bán được những mặt hàng giá rẻ.
"Tôi kinh doanh ở đây được 7 năm, đây là lần đầu chứng kiến cảnh doanh thu giảm đến như vậy. Không ít cửa hàng trên tuyến đường này đã trả mặt bằng, chủ tiệm đổi phương thức kinh doanh hoặc chuyển hẳn sang bán mặt hàng khác. Riêng tôi thì phải đợi qua năm sau tính tiếp, nếu còn ế ẩm, tôi cũng định sẽ cho người khác thuê lại mặt bằng của cửa hàng mình", anh Vũ chua chát, nói.
Cách đó không xa, chủ cửa hàng Thanh Sang, chuyên bán đồ gỗ nội thất trên đường Ngô Gia Tự, cũng đang rầu rĩ ngồi ngóng khách. Vị chủ tiệm cho hay, dạo gần đây tiệm đóng cửa sớm hơn trước vì quá vắng khách. Ông cũng đã sớm chán cảnh "sáng dọn ra, chiều dọn vô".
"Một ngày bán ế là chuyện bình thường, "kỷ lục" nhất là 10 ngày không có ai đến hỏi mua. Ở đây mỗi tháng phải gồng gánh rất nhiều chi phí, nếu doanh thu cứ tiếp tục giảm 50% như này, tôi e là không thể trụ được", vị chủ tiệm thẳng thắn.
Giảm nhân viên, hạ giá sản phẩm
Dọc các tuyến đường chuyên doanh đồ nội thất, kể cả những cửa hàng lớn, nổi tiếng bán lâu năm ở khu phố này cũng đang rơi vào cảnh "người bán nhiều hơn người mua".
Trong bối cảnh khó khăn, bà Lưu Thị Hằng, giám đốc công ty TNHH Ifuni (đường Đào Duy Từ, quận 10) cho hay doanh thu cửa hàng của gia đình bà năm 2023 lại tăng 15-20% so với năm ngoái. Công ty có 2 trụ sở hoạt động ở TPHCM và Hà Nội, chuyên cung cấp hàng nội thất cho 2 thành phố này và một số tỉnh lân cận.
"Chúng tôi nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng có thay đổi sau giai đoạn Covid-19. Khách hàng trở nên kỹ tính hơn đối với những mặt bằng có giá trị cao và thường chọn mua những món giá rẻ, chất lượng.
Vì vậy, công ty cũng chuyển hướng, nghiên cứu và sản xuất các mặt hàng có giá thành phải chăng hơn, phù hợp với túi tiền của người dân trong giai đoạn này", bà Hằng nói.
Để duy trì công việc kinh doanh, bà Hằng đã phải cắt giảm nhân sự và bỏ qua một số công đoạn gia công không cần thiết để tiết kiệm ngân sách. Từ đó, đơn vị cũng lựa chọn phương án sản xuất các mặt hàng mới với mức giá cạnh tranh trên thị trường, lãi ít đi để giữ chân khách hàng.
Đồng thời, chú trọng đầu tư nâng cao tuổi thọ, mẫu mã của món đồ nội thất, quảng bá thương hiệu nhiều hơn để tiếp cận được nhiều khách hàng.
Vì vậy, mặc dù có tình trạng kinh doanh khó khăn do bất động sản "đóng băng", người dân thắt chặt chi tiêu, cửa hàng của bà Hằng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2023 và dự báo được nhiều tín hiệu tốt trong năm sau.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ nước ta liên tục bị suy giảm từ đầu năm 2023. Tuy vậy, thời điểm hiện tại một số doanh nghiệp đã bắt đầu có đơn hàng cho mùa mua sắm nội thất cuối năm ở các thị trường lớn của thế giới.
Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong tháng 10/2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 1,28 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng 10/2022.