Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu 2020, lương quản lý đạt bình quân 10,2 triệu đồng

(Dân trí) - Lương tối thiểu vùng 2020 được chốt mức đề xuất tăng 5,5 %, Chủ tịch Cà Mau ủng hộ kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra toà, lương tháng trung bình của nghề quản lý đạt 10,2 triệu đồng, quá khứ cơ cực của bà Tân Vlog, lộ trình giảm 180 cơ quan báo chí với hơn 8.000 nhân sự…

Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu 2020, lương quản lý đạt bình quân 10,2 triệu đồng - 1

Đây là những thông tin hấp dẫn trong lĩnh vực LĐ-TB&XH được đăng tải trên Chuyên mục Việc làm trong tuần qua.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Không để gia đình chính sách, người có công thuộc hộ nghèo"

Ngày 12/7, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm những tồn tại trong thực hiện chế độ cho các đối tượng chính sách, tiến tới không để gia đình chính sách và người có công nào thuộc diện hộ nghèo… 

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng đồng ý sẽ cấp kinh phí cho trung tâm Điều dưỡng Người có công Quảng Trị cũng như hỗ trợ thêm kinh phí xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đưa đối tượng bảo trợ xã hội về quản lý tại Trung tâm đặt ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh.

Về đề xuất thành lập trường Cao đẳng nghề của UBND tỉnh, Bộ trưởng đồng ý về chủ trương nhưng yêu cầu phải đầu tư bài bản, chất lượng, hướng đến xây dựng một trường Cao đẳng đa ngành, đa nghề, đa chương trình. Việc đào tạo cần liên kết với doanh nghiệp và xã hội. (xem tiếp).

Chính thức chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020

Phiên đàm phán lần 2 được Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức nhằm bàn về điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 được tổ chức chiều 11/7. Sau hơn 3 giờ làm việc, Hội đồng tiền lương quốc gia chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 ở mức 5,5% so với năm 2019. 

Trước đó, Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức tăng cao nhất đạt 8 % so với mức lương tối thiểu năm 2019, còn VCCI đề xuất tăng cao nhất 3 %.

Từ khi có cơ chế đàm lương tối thiểu tới nay, phiên đàm phán hôm 11/7 đánh dấu lần đầu tiên các bên đạt được đồng thuận sau 2 lần họp. Các phiên đàm phán của những năm trước đây thường diễn ra sau 3 kỳ… (cụ thể).

Nghề quản lý có thu nhập bình quân đạt 10,2 triệu đồng/tháng

Bản tin khảo sát về thị trường lao động quý 1/2019 vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố đầu tháng 7 cho thấy, xét về ngành nghề, mức thu nhập bình quân tháng cao nhất thuộc về ngành dịch vụ với 7,11 triệu đồng/tháng và thấp nhất là ngành nông lâm thuỷ sản đạt 4,28 triệu đồng.

Về công việc, thu nhập bình quân tháng từ công việc chính cao nhất là của nghề quản lý với 10,2 triệu đồng. 

Đồng thời, tổng thu nhập bình quân tháng từ tất cả các công việc của lao động làm công hưởng lương đạt 6,94 triệu đồng. Nhóm được tăng lương chủ yếu là người lao động trình độ sơ cấp với 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước... (cụ thể).

Chủ tịch Cà Mau: Kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra toà là hợp lý

Tại phiên thảo luận kỳ họp HĐND tỉnh Cà Mau diễn ra ngày 11/7, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu quan điểm, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định về việc đóng bảo hiểm cho người lao động thì đề nghị phải kiện ra tòa để xử lý. 

Trước đó, với thực trang doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN diễn ra quá lâu, UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo, có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan, các tổ chức đoàn thể, công đoàn phối hợp vào cuộc để đôn đốc nhắc nhở, thậm chí phải xử lý đối với các doanh nghiệp nợ.

Chủ tịch Cà Mau cho rằng, ngành LĐ-TB&XH phải tích cực phối hợp với tổ chức công đoàn thực hiện hết trách nhiệm của mình theo quy định pháp luật. "Nếu như doanh nghiệp nào không thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định thì đề nghị phải kiện ra tòa để xử lý", ông Hải nói rõ. (nội dung)

Quá khứ cơ cực và bước ngoặt thay đổi cuộc đời bà Tân VLog

Trước khi trở thành hiện tượng mạng xã hội, bà Tân Vlog (tên thật: Nguyễn Thị Tân) ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một phụ nữ làm nghề nông. Ngoài việc làm ruộng, nuôi lợn, lúc nông nhàn bà đi làm phụ hồ.

Khi được hỏi, trước đây bà đã từng đi đâu khỏi làng chưa, bà Tân nói, bà từng xuống Hà Nội. Nhưng điểm đến thường xuyên của bà lại là bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện K để chăm chồng bị bệnh. Đó có thể xem là quãng thời gian khó khăn nhất của bà Tân khi người chồng mang bệnh ung thư vòm họng, mẹ chồng đau yếu và con trai đầu đang học đại học.

Chồng nằm viện khoảng nửa năm, để có tiền chữa chạy, bà Tân cắm sổ đỏ vay mượn tiền. Nhưng chồng bà vẫn không qua khỏi. (xem thêm)

Đến năm 2025: Giảm 180 cơ quan báo chí

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết: Thực hiện quy hoạch báo chí, Bộ TT&TT đã làm việc với từng cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí, tiến hành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thu gọn đầu mối cơ quan báo chí, rà soát nhân sự bị tác động và lên phương án giải quyết.

Theo ông Lưu Đình Phúc, cả nước có 868 cơ quan báo in, báo điện tử. Thực hiện quy hoạch, sẽ giảm 94 cơ quan chủ quản với 180 cơ quan báo chí. Dự kiến đến 2025, cả nước còn 688 cơ quan báo chí với 8.194 nhân sự bị ảnh hưởng. (nội dung).

Giải quyết tiền lương của 327 lao động ra sao khi chủ nhà máy người Ấn độ "mất hút"?

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng nhiều cơ quan chức năng liên quan đã nhiều lần họp giải quyết chế độ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Thế nhưng, suốt 1 năm qua, quyền lợi của hàng trăm công nhân vẫn bị “treo” vì ...chủ nhà máy người Ấn Độ đã rời khỏi Việt Nam. 

Ngày 8/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì cuộc họp với một số sở, ngành trong tỉnh để giải quyết những vấn đề liên quan đến Nhà máy Đường Bình Định (thuộc Công ty Cổ phần Đường Bình Định - BISUCO đóng tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho rằng vụ việc rất phức tạp do ông chủ người Ấn Độ bỏ trốn khỏi Việt Nam, khiến nhiều thủ tục pháp lý không thực hiện được nên quyền lợi người lao động vẫn chưa được giải quyết.

Tại cuộc họp, ông Trần Châu yêu cầu, các cơ quan chức năng của tỉnh, trước mắt, ưu tiên giải quyết, nghiên cứu đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho người lao động tại BISUCO.

Trong đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh khẩn trương có văn bản xin ý kiến Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) về việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.

Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Định tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các chế độ, quyền lợi chính đáng cho người lao động. (chi tiết).

Hoàng Mạnh tổng hợp