Chọn "người tài" hay "người nhà"?

Điều quan trọng nhất trong công tác cán bộ, người được lựa chọn phải là người thực sự xứng đáng về năng lực, phẩm chất, dù bất kỳ người đó có xuất thân từ đâu.

Chọn "người tài" hay "người nhà"?

Các trường hợp được quy hoạch, bổ nhiệm đều được người trong cuộc lý giải là làm "đúng quy trình". Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự khẳng định đó chưa đủ sức làm cho dư luận yên lòng. Bởi điều quan trọng nhất trong công tác cán bộ, người được lựa chọn phải là người thực sự xứng đáng về năng lực, phẩm chất, dù bất kỳ người đó có xuất thân từ đâu.

33 tuổi, anh Nguyễn Viết Vy được bổ nhiệm làm Bí thư Huyện ủy Lý Sơn - là Bí thư huyện ủy trẻ nhất của Quảng Ngãi. Với một hồ sơ đã từng du học ở Australia và đảm nhiệm nhiều vị trí công tác tại Ủy ban, Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhiều người đã đặt câu hỏi: Bí thư Huyện ủy 33 tuổi là con "ông lớn" nào?

Gần đây, dư luận xã hội cũng đặt nhiều câu hỏi về công tác cán bộ khi ở nhiều địa phương câu chuyện bổ nhiệm người nhà cũng không phải là hiếm. Vì vậy, việc bổ nhiệm Bí thư Huyện ủy Lý Sơn ở độ tuổi hơn 30, không phải con ông cháu cha cho thấy để người tài được trọng dụng, phải thực sự coi trọng dân chủ, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, cũng cần xác định rõ trách nhiệm của cá nhân người giới thiệu quy hoạch cán bộ, hoặc người sử dụng cán bộ đó, bởi có một thực tế trong một số trường hợp, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng sai cán bộ, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng thì rất khó để xác định trách nhiệm trong công tác cán bộ.

Sẽ cần có thêm thời gian để tiếp tục kiểm nghiệm về Bí thư Huyện ủy trẻ nhất tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng có thể khẳng định, đó là khi cán bộ trẻ có năng lực, có nhiệt huyết, được tổ chức ghi nhận, dù không phải con "ông lớn" vẫn có thể được bổ nhiệm làm lãnh đạo. Người tài đó không chỉ xuất thân trong các gia đình lãnh đạo truyền thống mà còn xuất thân ở cả những nơi "bìa rừng, góc núi" - như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo VTV.VN