Chợ độc đáo của “công ty 2 sọt”… giữa rừng sâu
Với chiếc xe máy cà tàng đầy ắp mặt hàng, các chủ nhân “công ty 2 sọt” đã mang chợ di động đến với dân tộc Bana ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định). Đặc biệt, khu chợ này họp giữa nơi bạt ngàn núi rừng nhưng không hề hẹn trước địa điểm thời gian, không ồn ào, chen lấn, giành giật khách… như những phiên chợ khác.
Chỉ với 2 chiếc sọt chất đầy hàng hóa thiết yếu quàng sau xe máy, chủ nhân “công ty 2 sọt” băng qua hàng chục góc khuất con đường, địa hình hiểm trở để đến với người dân làng 02 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh)
Muốn đặt chân đến làng O2 phải mất hơn 5 giờ đồng hồ băng rừng đi bộ, đoạn dốc thì mặt người đi sau chạm gót chân người đi trước, gốc rễ ven đường thành điểm phao cứu sinh, bấu víu để bước tới.
Vì vậy, khu chợ “thập cẩm” thu nhỏ trên những chiếc xe máy cà tàng giữa rừng sâu, nằm ngay dưới chân núi dẫn đến làng O2. Mỗi khi có dịp xuống núi, người dân mua những yếu phẩm rồi vượt rừng, “cõng” hàng về làng.
"Công ty 2 sọt” là cái tên thân thương mà dân bản địa dùng để gọi những tiểu thương buôn bán hàng hóa bằng xe máy giữa rừng. Phiên chợ này họp nơi bạt ngàn núi rừng nhưng không hề hẹn trước địa điểm, thời gian.
Chị Nguyễn Thị Nga (40 tuổi) cho biết: “Trước đây, chúng tôi mang thực phẩm từ đồng bằng băng núi lên tận làng O2 để bán cho bà con. Thế nhưng, hiện tại người dân ở làng có thể trồng trọt, chăn nuôi nên nhu cầu mua sắm ít đi. Vì vậy, thương lái chỉ di chuyển bằng xe máy để bán dưới chân núi, khu chợ họp bất kỳ ở những nơi gặp khách hàng”.
Làng O2 là vùng đất được xếp vào loại khó khăn nhất tỉnh Bình Định, phần đông là đồng bào Bana sinh sống. Đất đai màu mỡ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn cây cỏ nhưng cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, chưa có điện lưới quốc gia.
Các mặt hàng như rau, thịt được đặt trong chiếc sọt gắn trên chiếc xe máy để tiếp thị. Khách thích mặt hàng nào thì đến tại xe để mua, chứ không rao bán ồn ào hay xảy ra chuyện giành giật.
Theo Trưởng làng O2 Đinh Văn Lời, trước đây, người dân dưới xuôi mang các vật dụng lên tận làng để buôn bán, trao đổi nhưng vì đường đi quá khó khăn nên chẳng mấy ai mặn mà. “Cuộc sống ở làng chủ yếu là tự cung, tự cấp. Nếu thấy món ăn, vật dụng… nhàm chán thì người trong làng xuống chân núi để mua sắm, đổi món. Những phiên chợ không hẹn trước giữa núi rừng giúp bà con vui lắm, bữa ăn được cải thiện mà không phải đi xa đến tận trung tâm huyện”, ông Lời chia sẻ.
Theo Danviet.vn