Chỉ hái mỗi ngọn cây đắng chát, nông dân thu về 300 triệu đồng/năm

Hạnh Linh

(Dân trí) - 50 năm nay, bà Chi cần mẫn trồng, chăm sóc vựa chè. Cây không phụ lòng người, những đồi chè cứ thế xanh tốt, giúp bà có thu nhập nhiều người ao ước.

Lối đi riêng với loài cây đắng, chát

Buổi sáng tháng 8, bà Đỗ Thị Chi (68 tuổi, thôn Thanh Vân, xã Cát Tân, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) cùng 3 lao động khác tất bật thu hoạch búp chè trên khoảnh đồi sau nhà.

Với gần 2ha chè lấy búp, mỗi năm gia đình bà Chi thu được 2 tấn chè khô. Giá bán 160.000-200.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí sản xuất, thuê nhân công, gia đình nông dân này thu về khoảng 300 triệu đồng tiền lãi. 

Chỉ hái mỗi ngọn cây đắng chát, nông dân thu về 300 triệu đồng/năm - 1

Tại xã Cát Tân có hơn 34ha chè lấy búp (Ảnh: Hạnh Linh).

Bà Chi cho hay, thôn Thanh Vân, xã Cát Tân vốn là vùng đất trồng chè từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Nửa đời người gắn bó với cây chè, dù giá chè có lúc lên, lúc xuống nhưng với gia đình bà Chi, cây chè vẫn mang lại nguồn thu nhập chính.

Có năm giá chỉ còn 60.000 đồng/kg chè khô, bà con trong vùng chán nản, không muốn thu hoạch. Nhiều gia đình đốn hạ cả héc-ta chè, bà Chi vẫn "chọn lối đi riêng", kiên trì khai hoang, mở rộng thêm diện tích trồng, bà kỳ vọng loại cây đắng, chát này sẽ có ngày cho "trái ngọt".

Từ vài sào chè ban đầu, sau 50 năm, gia đình bà Chi đã sở hữu gần 2ha chè, nhiều nhất nhì trong xã.

Nhìn những đồi chè xanh mướt, bà Chi kể, trước đây, thấy bà trồng chè theo hướng tự nhiên, người trong vùng hoài nghi. Họ cho rằng, "quanh năm bón phân, phun thuốc còn chẳng ăn ai, đằng này không phân, thuốc mà đòi làm được chè chỉ có trong mơ".

Mặc những hoài nghi ấy, bà làm từng bước dù là nhỏ nhất, bằng phương pháp xen canh, nuôi dưỡng đất chẳng giống ai.

Để giúp cây chè mới trồng tránh nắng, sinh trưởng tốt, bà Chi trồng xen canh với sắn. Theo bà Chi, việc xen canh này mang lại hiệu quả "kép". Sắn là cây trồng ngắn ngày, tán rộng, che nắng cho cây chè, giảm công tưới nước. Sau khi thu hoạch, lá sắn được dùng để làm phân, tạo đất tơi xốp, giúp cây chè phát triển tốt.

Chỉ hái mỗi ngọn cây đắng chát, nông dân thu về 300 triệu đồng/năm - 2

Sáng sớm là thời điểm thu hoạch tốt nhất trong ngày (Ảnh: Hạnh Linh).

"Vào những ngày nắng nóng, búp chè trên đồi của tôi vẫn non mơn mởn. Dần dần mọi người tin theo phương pháp trồng chè hữu cơ. Giờ đây ở Cát Tân, bà con đều trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap", bà Chi nói.

Năm 2022, bà Chi tạo nên bước đột phá ở vựa chè Cát Tân khi mạnh dạn đốn hạ 3 sào giống chè thuần, trồng loại chè mới PH8 (còn gọi là chè cao sản). Sau 2 năm, chè PH8 đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo bà Chi, chè PH8 cho nhiều búp, sản lượng tăng gấp đôi so với giống chè thuần.

Trồng một lần, 30 năm thu tiền

Cây chè từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất 2 năm. Tuy nhiên, vòng đời của cây chè lấy búp là 30 năm. Đều đặn mỗi tháng, bà Chi hái búp chè 1 lần, xuất bán chè là có ngay "tiền tươi" bỏ túi.

So với các loại cây trồng khác, trồng chè có nhiều thuận lợi, nhàn nhã hơn vì chi phí đầu tư thấp, chỉ cần tập trung chăm sóc năm đầu tiên. Sau đó, mỗi năm cần 2 lần bón phân, 2 lần làm cỏ và cứ thế thu hoạch. Ngoài ra, cây chè còn có khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt.

Bà Chi cho biết, việc sản xuất chè hữu cơ được thực hiện theo quy trình kỹ thuật trong cả quá trình chăm sóc và thu hoạch. Thông thường, người dân hái chè vào buổi sáng. Khi hái, bà con chọn những búp xanh non, gọi là "1 tôm 2 tép" (gồm 1 búp và hai lá non). Còn việc sao chè phải thực hiện ngay trong ngày để đảm bảo chất lượng.

"Chè hái về phải sao ngay vì lúc này hàm lượng tanin trong lá chè phù hợp, chè khi uống sẽ không bị đắng, tốt cho sức khỏe", bà Chi vừa sao chè vừa tâm sự.

Quá trình chế biến chè khá cầu kỳ, trải qua nhiều công đoạn, như: sao chè, vò chè, sao lấy hương…, mỗi công đoạn có thời gian và nhiệt độ khác nhau.

Chỉ hái mỗi ngọn cây đắng chát, nông dân thu về 300 triệu đồng/năm - 3

Chè khô ở xã Cát Tân thơm, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng (Ảnh: Hạnh Linh).

Riêng công đoạn sao chè phải được lặp lại 3 lần để đảm bảo được độ khô, giòn của cánh chè. Sau khi sao 3 lần sẽ đến công đoạn cuối cùng là lấy hương (lấy mốc). Lúc này, chè được đưa vào máy sao ở nhiệt độ 100-120 độ C trong khoảng 3 phút sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện.

"Chè của bà con thôn Thanh Vân nổi tiếng thơm, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng nên cứ sản xuất đến đâu, bán hết đến đấy", bà Chi nói.

Ông Đinh Huy Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tân cho biết, bà Chi là điển hình trong phát triển kinh tế, một trong những người trồng chè lâu năm và nhiều nhất nhì trong xã.

Theo ông Tuyến, trên địa bàn xã Cát Tân có hơn 34ha chè với 108 hộ trồng, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap. Mỗi năm, toàn xã có khoảng 20 tấn chè khô, với giá bán 200.000 đồng/kg, bà con trồng chè thu về xấp xỉ 4 tỷ đồng. Vựa chè tại thôn Thanh Vân đã và đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương.