Chỉ 50% số sinh viên mới ra trường tìm được việc làm

(Dân trí) - Lượng nhân viên thất nghiệp bổ sung vào lực lượng tìm việc khiến yêu cầu kinh nghiệm của các đơn vị tuyển dụng tăng cao, sinh viên mới ra trường càng khó tìm việc hơn vì thiếu kinh nghiệm.

Chỉ 50% số sinh viên mới ra trường tìm được việc làm
Doanh nghiệp chủ yếu muốn tuyển người có kinh nghiệm nên sinh viên mới ra trường khó tìm việc phù hợp (ảnh minh họa)

Trong tháng 8/2012, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã khảo sát gần 4.000 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng gần 31.000 lao động và đưa ra con số: 60% chỗ làm việc đều yêu cầu có trình độ và kinh nghiệm 1 năm trở lên.

Trong khi đó, nguồn cung nhân lực lớn nhất trong tháng 8 lại là sinh viên mới ra trường. Theo Falmi, chỉ số nguồn cung tháng 8/2012 tiếp tục tăng so tháng 07/2012, có khoảng 80.000 sinh viên, học sinh tốt nghiệp mới ra trường có nhu cầu tìm việc làm trong thời gian này.

Sau khi khảo sát hơn 20.000 người tìm việc trong tháng 8/2012, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi cho biết: “Căn cứ nguồn cơ sở dữ liệu khảo sát trong tháng 8/2012 khoảng 70% số người tìm việc làm là người chưa có kinh nghiệm”.

Chính vì vậy, ông Tuấn cho rằng: “So về chỉ số kinh nghiệm giữa nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc làm có thể cho thấy chỉ khoảng 50% sinh viên mới ra trường có thể tìm được việc làm ngay, trên 50% phải tìm kiếm việc làm nhiều lần hoặc làm việc trái ngành nghề đã học”.

Tuy vậy, ông Tuấn cũng cho biết là có nhiều ngành nghề thị trường lao động rất cần nhân lực nhưng nguồn cung lại không đáp ứng đủ nhu cầu. Cụ thể như các ngành: Cơ khí – Luyện kim, Nhân viên kinh doanh, Nhà hàng – Khách sạn, Tư vấn – Bảo hiểm, Dịch vụ - Phục vụ, Điện tử - Viễn thông, Điện – Điện lạnh…

Một điểm sáng trên thị trường lao động tháng 8/2012 là mức lương tuyển dụng có biểu hiện tăng. Với những vị trí có kinh nghiệm làm việc, doanh nghiệp đưa ra mức lương trung bình từ 4 triệu đồng trở lên chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu tuyển dụng.

Nhận định tổng quan thị trường lao động TPHCM tháng 8/2012, ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Thị trường phát triển tương đối ổn định. Tuy vậy thị trường lao động vẫn tồn tại nghịch lý cung – cầu mất cân đối, tình trạng lao động có nhu cầu tìm việc làm gia tăng do nguồn cung bổ sung thêm lực lượng lao động từ nguồn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường”.

Dự đoán nhu cầu tuyển dụng tháng 9/2012, Falmi cho là thị trường lao động TPHCM sẽ cần khoảng 30.000 chỗ làm việc trống, đặc biệt nhu cầu về lao động thời vụ, bán thời gian rất cao, chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lo lắng vì chỉ số giá tiêu dùng tăng trở lại sau 2 tháng giảm, sức mua của người dân tiếp tục giảm. Điều này có thể tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường lao động, đặc biệt tạo khó khăn cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và nguồn nhân lực lao động phổ thông trong những tháng cuối năm.

Về khó khăn của lực lượng người tìm việc là sinh viên, học sinh mới ra trường, ông Tuấn cho rằng: “Trong thời điểm các doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng nhân lực có kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật cao như thế này thì đòi hỏi sinh viên mới ra trường cần trang bị cho mình kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật thật tốt mới có cơ hội tìm việc làm dễ dàng”.

Tùng Nguyên