Chế độ chuyển xếp lương đối với giáo viên mầm non

Năm 1979, mẹ của ông Nguyễn Ngọc Sơn (tỉnh Ninh Bình) bắt đầu làm giáo viên mẫu giáo của xã Yên Nhân, đến năm 1980 được cử đi học sư phạm mẫu giáo tỉnh Hà Nam Ninh (hệ chính quy 7+1). Năm 1987 mẹ ông làm Phó Trưởng ban phụ trách chuyên môn mẫu giáo xã Yên Nhân.

Năm 1997 mẹ ông Sơn làm Trưởng ban chuyên trách mầm non xã Yên Đồng. Tháng 1/1995 mẹ ông bắt đầu tham gia BHXH, năm 1998 học trung cấp mầm non hệ tại chức (nhận bằng năm 2000). Đến năm 2001 mẹ ông được quyết định là hiệu trưởng.trường Mầm non xã Yên Đồng.

Thực hiện theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg, mẹ ông Sơn được xếp lại bậc lương và được tính từ khi có bằng trung cấp (năm 2000), bị trừ thời gian tập sự là 6 tháng. Ông Sơn muốn biết, việc chuyển xếp lương như vậy có đúng chế độ không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Ngày 11/3/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015.

Theo khoản 1, Điều 5 và khoản 1, Điều 6 của Thông tư liên tịch này, giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt) ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập được hưởng chế độ sau:

- Được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và hưởng các chế độ phụ cấp lương (nếu có) đối với giáo viên mầm non theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

- Được nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn (do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và khi có thông báo nghỉ hưu) theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

- Được đóng, hưởng BHXH, BHYT và BHTN theo quy định.

- Đối với các trường hợp ký hợp đồng lao động có đóng BHXH bắt buộc trước ngày 15/12/2011 (ngày Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg có hiệu lực) thì được xếp lương theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này; đối với các trường hợp ký hợp đồng lao động có đóng BHXH bắt buộc từ ngày 15/12/2011 trở về sau thì thực hiện chế độ tập sự, xếp lương và nâng bậc lương như đối với giáo viên mầm non có cùng trình độ đào tạo ký hợp đồng làm việc.

Xếp lương đối với các trường hợp ký hợp đồng lao động có đóng BHXH bắt buộc trước ngày 15/12/2011.

Nguyên tắc xếp lương

Căn cứ vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đã đạt được tương ứng với từng thời điểm trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc (nếu có thời gian đóng BHXH đứt quãng mà chưa được tính hưởng chế độ BHXH một lần thì được cộng dồn) sau khi trừ đi thời gian tập sự theo quy định để thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non như sau:

- Cứ sau thời gian 3 năm (đủ 36 tháng) đối với chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng, đại học và cứ sau thời gian 2 năm (đủ 24 tháng) đối với chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non có trình độ trung cấp được xếp lên 1 bậc lương của chức danh nghề nghiệp tương ứng.

Trường hợp, trong thời gian công tác (đã tham gia BHXH bắt buộc) có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật cảnh cáo thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc mỗi lần bị kỷ luật tính thêm 6 tháng; nếu bị kỷ luật khiển trách thì tính thêm 3 tháng; nếu bị kỷ luật cách chức thì tính thêm 12 tháng; nếu trong 1 năm, vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa bị kỷ luật thì thời gian tính tăng thêm trong thời gian xếp 1 bậc lương được tính theo thời gian của hình thức bị kỷ luật của năm đó.

- Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương theo chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non theo nguyên tắc nêu trên, nếu có số tháng chưa đủ 36 tháng đối với chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng, đại học hoặc chưa đủ 24 tháng đối với chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non có trình độ trung cấp thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau theo chức danh nghề nghiệp được xếp.

Trường hợp được tính xếp vào bậc lương cuối cùng của chức danh nghề nghiệp mà vẫn còn dư thời gian thì thời gian còn dư này được tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung như sau: Sau 36 tháng đối với chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng, đại học và sau 24 tháng đối với chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non có trình độ trung cấp được tính hưởng 5%, cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) tiếp theo được tính hưởng thêm 1%.

Chuyển xếp lương

Căn cứ vào nguyên tắc quy định tại điểm b, khoản 1, Điều này, thực hiện việc chuyển xếp vào bậc lương theo chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non như sau:

Trường hợp kể từ ngày ký hợp đồng lao động có đóng BHXH bắt buộc đến thời điểm xét chuyển xếp lương theo Thông tư liên tịch này không có thay đổi về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, thì sau khi trừ đi thời gian tập sự theo quy định (thời gian tập sự được tính từ ngày ký hợp đồng lao động có đóng BHXH bắt buộc) được tính xếp vào bậc 1 theo chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non tương ứng; thời gian công tác sau đó (nếu có) được tính để xếp lên bậc lương cao hơn trong chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non theo nguyên tắc quy định điểm b, khoản 1, Điều này.

Trường hợp trong thời gian ký HĐLĐ có đóng BHXH bắt buộc có thay đổi về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thì được xếp tương ứng với từng khoảng thời gian có thay đổi trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp giáo viên mầm non (là mẹ của ông Nguyễn Ngọc Sơn), khi chuyển xếp lương phải trừ đi thời gian tập sự tương ứng với trình độ đào tạo vào thời điểm ký HĐLĐ có đóng BHXH bắt buộc.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.