Đắk Nông:

Chẻ đá giữa đại ngàn Tây Nguyên, lao động vất vả kiếm tiền mùa xây dựng

Đặng Dương

(Dân trí) - Qua bàn tay của người thợ, những khối đá lớn được chẻ thành từng phiến mỏng phục vụ xây dựng. Dù là công việc nguy hiểm nhưng phần lớn người làm nghề lại không có bảo hộ lao động.

Bán sức, kiếm cơm từ đá

Giữa cái nóng nực của thời tiết tháng 6, những tiếng búa tạ giữa bãi đá đã phá tan khung cảnh yên bình của cánh đồng rộng lớn xã Nam Dong (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông). Trên cánh đồng này, một nhóm thợ chẻ đá khoảng 3-4 người làm việc cật lực dù đã giữa trưa.

Nhiều năm qua ở các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, nghề chẻ đá thủ công đã xuất hiện và thu hút nhiều người làm. Đây lại là công việc mang lại thu nhập cao cho lao động nông thôn, đặc biệt khi nhu cầu xây dựng của người dân tăng cao.

Anh Hoàng Văn Hà (xã Nam Dong) là một thợ chẻ đá với 5 năm trong nghề. Nhờ có kinh nghiệm, chỉ bằng mắt thường, anh cũng biết chọn vị trí nào để gõ nhát búa đầu tiên vào mỗi khối đá. Với người thợ, những nhát búa đầu tiên, một phần quyết định sự thành công khi chẻ đá.

Chẻ đá giữa đại ngàn Tây Nguyên, lao động vất vả kiếm tiền mùa xây dựng - 1

Một bãi đá lớn tại huyện Đắk Mil thu hút gần chục thợ chẻ đá tới làm việc.

Phần lớn đá ở xã Nam Dong là tận dụng, có sẵn trên đất của các hộ dân. Sau khi dọn dẹp để lấy đất sản xuất hoặc xây nhà, những viên đá được chẻ nhỏ để phục vụ việc xây dựng.

Trước đây, đá chỉ được vỡ bằng thuốc nổ. Thế nhưng để tận dụng đá cũng như đạt hiệu quả cao trong xây dựng, đá được chẻ thủ công thành từng phiến mỏng.

"Nếu đá vỡ bằng thuốc nổ thì sẽ cho ra đá hộc, khi xây dựng sẽ rất tốn kém mà móng nhà không chắc. Còn khi chẻ thủ công, người thợ sẽ tạo ra những phiến đá mỏng, đều nhau. Khi xây dựng, đá được xếp ngay ngắn, móng nhà sẽ chắc chắn mà không tốn vữa" anh Hoàng Văn Hà giải thích về tên gọi đá chẻ.

Anh Nguyễn Văn Dũng (37 tuổi, trú huyện Krông Nô) cũng mưu sinh bằng nghề chẻ đá đã gần 10 năm. Do đặc điểm địa chất, địa hình nên phần lớn người dân đều sử dụng đá để làm móng nhà, tạo cơ hội cho nghề chẻ đá phát triển tại Tây Nguyên.

Chẻ đá giữa đại ngàn Tây Nguyên, lao động vất vả kiếm tiền mùa xây dựng - 2

Anh Hoàng Văn Hà, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề chẻ đá.

Theo thợ chẻ đá 37 tuổi, đá chẻ có hai loại, đá đơn kích thước 10x15x25 cm và đá đôi kích thước là 15x20x30 cm. Giá mỗi viên hiện nay khoảng 2.500 đồng/viên đá đơn và 3.000 đồng/viên đá đôi.

"Vào những ngày nắng ráo, thợ chẻ đá có thể kiếm được hơn nửa triệu đồng, tương đương khoảng 250- 280 viên đá. Thế nhưng ngày mưa, công việc chỉ tranh thủ trời tạnh ráo, thợ chẻ đá may mắn thì kiếm được hơn 100.000 đồng", anh Nguyễn Văn Dũng cho hay.

Chai sạn với nghề

Do công việc vất vả, dùng nhiều sức lực, đặc biệt là môi trường làm việc ngoài trời nên chỉ có nam giới mới theo nghề chẻ đá. Thợ chẻ đá thường đi theo tốp, làm việc tập trung ở bãi đất rộng lớn để tiếng ồn không ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Đồ nghề của thợ chẻ đá chỉ đơn giản là búa, nêm sắt. Những năm gần đây, khi nhu cầu xây dựng tăng cao, thợ chẻ đá trang bị thêm chiếc máy đục cầm tay, vừa giảm sức lao động, vừa tăng thêm năng suất làm việc.

Chẻ đá giữa đại ngàn Tây Nguyên, lao động vất vả kiếm tiền mùa xây dựng - 3

Vào những ngày nắng ráo, thợ chẻ đá có thể kiếm được hơn nửa triệu đồng.

Đối với mỗi tảng đá lớn, người thợ phải "bắt" được mạch đá trước khi dùng dây kẻ vạch. Từ đường vạch này, thợ chẻ đá đục từng lỗ nhỏ, rộng khoảng 2 cm, sâu 2-3 cm để đặt nêm.

Công đoạn quyết định nhất và đòi hỏi sự chính xác nhất là dùng búa tạ để đập vào nêm. Chiếc búa tạ giơ cao hơn đầu người, đập từng nhát dứt khoát, tạo ra âm thanh chát chúa, từ từ tách khối đá to xù xì thành các phiến đá mỏng, vuông vức.

Chính những công đoạn tỉ mỉ, tốn sức nên nghề chẻ đá được gọi là công việc vất vả, nặng nhọc nhất. Khối đá càng lớn, càng tốn sức người thợ, đồng thời kéo theo những tai nạn bất ngờ nếu chủ quan, mất tập trung.

Theo ông Phùng Văn Nghi (70 tuổi, trú huyện Đắk R'Lấp), một thợ chẻ đá có nhiều năm kinh nghiệm, đồ nghề của ông chỉ là chiếc búa, đôi găng tay và chiếc nón bảo hiểm. Những năm gần đây, nhu cầu xây dựng tăng cao giúp ông "cải thiện" được thu nhập với số tiền gần 100.000 đồng/ngày.

Chẻ đá giữa đại ngàn Tây Nguyên, lao động vất vả kiếm tiền mùa xây dựng - 4
Đồ nghề của thợ chẻ đá chỉ có chiếc búa tạ, nêm và máy đục cầm tay.

Theo ông lão, thời gian làm việc mỗi ngày kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ nên cuối ngày, sức của thợ chẻ đá giảm rõ rệt. Cũng chính vì thế, đây là thời điểm thường xảy ra tai nạn do thợ chẻ đá làm việc mất tập trung.

"Công việc này tôi đã làm nhiều năm, chuyện bị đá đè vào tay, chân là bình thường. Mỗi lúc làm việc, phải cẩn thận, tập trung cao độ. Trong trường hợp mệt quá thì phải nghỉ để tránh rủi ro", ông Phùng Văn Nghi vừa thở, vừa nói ngắt quãng.

Theo anh Nguyễn Văn Dũng, nhiều thợ đã phải bỏ nghề vì tai nạn lao động, như: Bị chiếc nêm bật vào mặt, vào mắt gây thương tích nặng. Thậm chí có trường hợp, thợ chẻ đá bị đục rơi trúng đầu ảnh hưởng tới não, 5 năm chưa phục hồi.

"Thợ chẻ đá chỉ có đôi găng tay làm đồ bảo hộ. Nhiều người trong lúc làm việc bị đá nhỏ bắn vào mắt, hoặc bị đau cột sống, lệch khớp vai mà phải bỏ nghề. Đối với tôi, vì công việc giúp nuôi sống cả gia đình nên tôi phải bám trụ, dẫu công việc vất vả", anh Nguyễn Văn Dũng tâm sự.

Một số hình ảnh về công việc hàng ngày của người thợ chẻ đá được PV ghi lại:

Chẻ đá giữa đại ngàn Tây Nguyên, lao động vất vả kiếm tiền mùa xây dựng - 5
Chẻ đá là công việc nặng nhọc, đòi hỏi độ chính xác cao.
Chẻ đá giữa đại ngàn Tây Nguyên, lao động vất vả kiếm tiền mùa xây dựng - 6

Nghề đòi hỏi sức khỏe dẻo dai.

Chẻ đá giữa đại ngàn Tây Nguyên, lao động vất vả kiếm tiền mùa xây dựng - 7

Công việc vất vả và liên tục ở ngoài trời khiến thợ chẻ đá mất sức.

Chẻ đá giữa đại ngàn Tây Nguyên, lao động vất vả kiếm tiền mùa xây dựng - 8
Người thợ tập trung cao độ để những nhát búa, mũi đục chính xác, hiệu quả.
Chẻ đá giữa đại ngàn Tây Nguyên, lao động vất vả kiếm tiền mùa xây dựng - 9
Thành quả là những phiến đá được chẻ vuông vức, phục vụ xây dựng.