Chật vật giữa tâm dịch Covid-19, lao động ngoại tỉnh mong muốn được về quê

Mắc kẹt hơn nửa tháng ở Đà Nẵng trong dịch bệnh, các lao động tự do chật vật sống qua ngày. Dù có sự hỗ trợ nhưng điều họ mong mỏi là được trở về nhà.

 Lao động ngoại tỉnh chật vật giữa mùa dịch Covid-19

Bó rau dại là thức ăn trong bữa cơm hàng ngày của một nhóm lao động ngoại tỉnh đang bị mắc kẹt tại Đà Nẵng. Ngoài món ăn chính mà họ có thể tự chuẩn bị này, tất cả lương thực thực phẩm khác đều phải trông chờ vào các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài.

Chật vật giữa tâm dịch Covid-19, lao động ngoại tỉnh mong muốn được về quê

Đây là là những lao động đến từ các tỉnh miền trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định… Dịch bệnh bùng phát bất ngờ đã khiến cho cuộc sống của họ vốn bấp bênh, nay lại càng lao đao, khốn khó.

Chật vật giữa tâm dịch Covid-19, lao động ngoại tỉnh mong muốn được về quê - 1

Những bữa ăn chính chủ yếu là mì tôm.

Tại một trong hàng chục khu ở trọ của lao động tự do trên địa bàn phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, trong 2 căn phòng chật hẹp có đến 19 lao động tự do đến từ các tỉnh thuê trọ. Họ mắc kẹt ở đây đến nay đã 19 ngày.

Do là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, tay làm hàm nhai nên họ không có sự tích lũy. Họ thật sự khốn khó trước quyết định phong tỏa kéo dài do đại dịch Covid-19.

Tại phường An Hải Tây, do quá khó khăn, không đủ tiền nên một nhóm công nhân phải trả nhà trọ và xin đến ở nhờ trong một thùng container. Đã hơn 1 tuần nay, họ ăn mì tôm ngày 3 bữa.

Họ đã được xét nghiệm cho kết quả âm tính 2 lần và cũng được cứu trợ nhiều lần nhưng do mắc kẹt quá lâu ngày nên giờ thực phẩm hỗ trợ đã hết. Họ phải cải thiện bữa ăn bằng rau dại, tự hái trong vườn.

Đề xuất mức hỗ trợ cho lao động gặp khó khăn

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, đối với các trường hợp lao động tự do không có hợp đồng lao động, Sở đã trình UBND đề xuất thực hiện chế độ giống như Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Như vậy, họ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong tháng 8 và tháng 9 năm nay. Còn đối với các trường hợp có hợp đồng lao động, Sở LĐ-TB&XH cũng đã đề xuất các phương thức hỗ trợ như sau:

- Trường hợp lao động có hợp đồng nhưng phải nghỉ việc không hưởng lương vì doanh nghiệp gặp khó khăn, không có doanh thu hoặc không có tài chính để trả lương bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, người lao động được hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng.

- Trường hợp doanh nghiệp vẫn còn tài chính để trả lương, doanh nghiệp sẽ trả ít nhất bằng lương tối thiểu vùng.

- Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động sẽ được chi trả bảo hiểm thất nghiệp.

- Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng.

Công nhân, lao động tự do có nguyện vọng được về quê

Những sự hỗ trợ rất thiết thực và kịp thời đến từ chính quyền thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, dịch bệnh chưa biết khi nào mới có thể khống chế hoàn toàn. Theo nhiều chuyên gia, khó khăn của những lao động tại Đà Nẵng có thể sẽ còn kéo dài, đặc biệt với những lao động tự do. Đối với họ, lúc này, sự hỗ trợ trước mắt về kinh tế là cần thiết nhưng điều họ mong muốn hơn cả là được về nhà, ở nhà và ăn cơm nhà.

Chật vật giữa tâm dịch Covid-19, lao động ngoại tỉnh mong muốn được về quê - 2

Căn phòng trọ chật hẹp nhưng là nơi trú ngụ của nhiều người.

Gần 1 tháng qua, nhiều công trình xây dựng ở Đà Nẵng phải đóng cửa giữa đại dịch khiến nhiều lao động mất việc làm và chưa thể về quê. Khu công nghiệp Hòa Cầm có trên 100 lao động là con em người dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Nam mặc kẹt lại. Suốt 1 tháng qua, họ chỉ ăn mì tôm cứu trợ của các nhà hảo tâm. Vật vã, vất vưởng ngày qua ngày, họ mong muốn được về quê sau 2 lần xét nghiệm đều âm tính.

Qua kiểm tra, làm việc với lãnh đạo cơ sở, đặc biệt là sau khi đến thăm, lắng nghe ý kiến từ các lao động tự do đang mắc kẹt trên địa bàn do giãn cách xã hội, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng có ý kiến chỉ đạo cần tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch, chăm lo đời sống người lao động. Thành phố đang đề xuất phương án tạo điều kiện để lao động về với gia đình.

UBND TP Đà Nẵng đã gửi tờ trình xin ý kiến Thủ tướng về việc cho phép người lao động, học sinh, sinh viên đang tạm trú được rời thành phố về quê theo nguyện vọng, đồng thời cho phép một số công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố được triển khai thi công trở lại với điều kiện đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh cho người lao động trên công trường.

Sáng 21/8, Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng đã có văn bản thông báo các trường hợp người lao động, kể cả học sinh - sinh viên đang cư trú tại thành phố Đà Nẵng có nhu cầu về quê, có thể thực hiện đăng ký thông qua Tổng đài 1022 hoặc tại website của Sở LĐ-TB&XH.

Ước tính có khoảng hơn 16.000 lao động ngoại tỉnh đang mắc kẹt tại đây, thành phố cũng đã lên các phương án để hỗ trợ tối đa cho những lao động có nguyện vọng về quê.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cũng cho biết, nếu tờ trình của UBDN TP Đà Nẵng được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, tất cả trường hợp người lao động, sinh viên ngoại tỉnh trước khi về quê sẽ được xét nghiệm để đảm bảo an toàn cho các chuyến vận chuyển, phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Khi về lại các tỉnh thành, các trường hợp này cũng phải tuân thủ, chấp hành quy định cách ly tập trung của địa phương.