1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chấp nhận làm công nhân rồi đi học nghề, lựa chọn của nhiều bạn trẻ

Phạm  Công

(Dân trí) - Với nhiều lao động trẻ, dường như việc bỏ làng quê vào KCN làm công nhân là lựa chọn phù hợp lúc này. Thậm chí, họ còn dự định học thêm 1 nghề để nâng cao kiến thức, tự tin trong công việc sau này.

Ít lựa chọn

Những ngày cuối tháng 3, anh Hà Việt Hùng (quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ) đã quyết định xuống Hà Nội làm công nhân. Gặp PV vào sáng 30/3, anh Hà Việt Hùng cho biết đã đi nộp hồ sơ xin việc ở 3 công ty tại KCN Quang Minh và KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội).

Anh Hà Việt Hùng chia sẻ: "Học xong trung học, gia đình kinh tế khó khăn nên tôi thôi học tiếp để đi làm đỡ đần bố mẹ. Ở quê chẳng có việc gì làm ngoài cấy ruộng, thợ xây cũng chẳng đủ việc làm nên tôi quyết định đi làm công nhân".

Trước Tết Nguyên đán, anh làm việc thời vụ cho một công ty ở KCN Thụy Vân (Việt Trì, Phú Thọ) với mức lương 200.000 đồng/ngày. Sau Tết, công ty thông báo cho công nhân thời vụ nghỉ do đơn hàng không nhiều. Anh Hà Việt Hùng lại phải tiếp tục hành trình tìm việc làm mới.

Chấp nhận làm công nhân rồi đi học nghề, lựa chọn của nhiều bạn trẻ - 1

Anh Hà Việt Hùng đang chờ được công ty gọi đến lượt phỏng vấn.

"Lần này, tôi ứng tuyển vào vị trí công nhân để ổn định hơn. Tôi cũng muốn đi học lấy cái nghề để làm, nhưng hoàn cảnh không cho phép nên đành chấp nhận" - anh Hà Việt Hùng bộc bạch.

Cũng chung tâm trạng, anh Trần Văn Thi (quê ở Mê Linh, Hà Nội) tâm sự: "Làm nốt năm nay là tôi để dành đủ tiền đi học rồi. Tôi vẫn đang phân vân là đi học cắt tóc hay sửa chữa điện thoại".

Chàng trai mới 21 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm 3 năm làm công nhân. Mỗi tháng sau khi trừ chi phí, anh dành dụm được 3 triệu đồng để nuôi ước mơ học nghề của mình.

Xu hướng dịch chuyển lao động

"Tôi đi làm từ sáng sớm đến tối, có những đợt tăng ca, cả tuần chẳng nhìn thấy mặt trời đâu. Chưa có gia đình mà dành dụm chẳng được là bao, tôi tính nếu cứ như này mãi thì không ổn, nên quyết định thời gian tới sẽ học thêm một nghề" - anh Trần Văn Thi nói.

Không chỉ có anh Trần Văn Thi, chị Lê Hương Lan quê ở Na Hang, Tuyên Quang  đã có 7 năm làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long vẫn đang mơ hồ về dự định trong thời gian tới.

Học hết cấp ba chị cũng mong muốn được đi học gì đó, nhưng gia đình không có điều kiện. Lại thêm việc học xong không có tiền xin việc thì cũng lại chỉ làm ruộng hoặc làm công nhân. Vậy nên chị Lê Hương Lan chọn cách đi làm công nhân luôn cho đỡ tốn tiền, tốn thời gian.

Chấp nhận làm công nhân rồi đi học nghề, lựa chọn của nhiều bạn trẻ - 2

Chị Lê Hương Lan vẫn mơ hồ về dự định của mình trong tương lai

"Chúng tôi chỉ mong có việc làm đều để có thu nhập trang trải cho cuộc sống. Trước mới đi làm thì nghĩ có thu nhập đã rồi tính nhưng tuổi đời công nhân nhanh hết lắm. Chừng 40 tuổi, tay yếu và mắt mờ thì cơ hội trụ lại ở những dây chuyền sản xuất không nhiều..." -  Chị Lê Hương Lan tâm sự.

Với mức lương 4,5 triệu đồng, chị Lê Hương Lan tăng ca cả tuần để có thu nhập 7 triệu đồng. Ăn tiêu dè xẻn, thuê trọ chung với 2 người cùng công ty để giảm chi phí để có tiền gửi về phụ bố mẹ nuôi các em ăn học.

Rời quê nhà ra Hà Nội làm công nhân dường như là sự lựa chọn trong lúc này của Lê Hương Lan. Chị so sánh một cách hồn nhiên: "Ít nhất ngồi lắp ráp linh kiện còn sướng hơn ở nhà cấy lúa, chăn trâu. Mỗi tháng không phải nắng, phải mưa mà vẫn có đồng ra, đồng vào để tiêu, còn được gửi về cho bố mẹ".

Khi được hỏi sẽ làm công nhân đến bao giờ? chị Lê Hương Lan đăm chiêu rồi hỏi lại: "Một năm nữa tôi hết hợp đồng ở công ty này. Nếu không xin được việc ở công ty khác thì cũng chỉ còn cách về quê. Mà về quê rồi thì làm gì nhỉ?".

Chia sẻ với PV, chị Hương đang tìm kiếm thông tin trên mạng về những khóa học nghề cho thanh niên. "Có lẽ, việc trụ lại lâu dài ở đô thị phải bằng 1 nghề cụ thể. Tôi đang quan tâm tới nghề bếp hoặc làm tóc..." - Chị Lê Hương Lan tâm sự.

Đối với nhiều người như chị Lê Hương Lan, anh Hà Việt Hùng dường như việc rời quê nhà để vào KCN làm công nhân là một lựa chọn phù hợp vào lúc này để tự lo cho cuộc sống hiện tại của bản thân.

Có lẽ, họ cũng không biết rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang len lỏi vào mọi nơi, mọi chỗ. Và khi đó, dù làm việc ở đâu, người lao động đều cần phải có một tay nghề vững vàng.