Chàng trai IT khởi nghiệp với trái nhàu rừng

Học ngành không liên quan đến công việc nhưng chàng trai ở xứ cao nguyên Nguyễn Bách Việt đã đưa công nghệ sinh học vào sản xuất chế biến thức uống từ trái nhàu rừng. Thú vị hơn, Việt còn nhân giống, phát triển rừng nhàu, tạo môi trường sinh thái cho vùng đất Tây Nguyên.

Chàng trai IT khởi nghiệp với trái nhàu rừng

Tháng 9/2010, Nguyễn Bách Việt giã từ vai trò giám đốc quản lý, giám sát hệ thống mạng ở một công ty viễn thông tại Úc để trở về quê nhà. Việt về không phải vì công việc quản lý giám sát hệ thống mạng cho hơn 4.000 doanh nghiệp tại Úc kém hấp dẫn mà vì anh muốn sống bên gia đình và quan trọng hơn là mang những kiến thức tích lũy được sau mười mấy năm bôn ba xứ người ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong chuyến về quê hương lần này anh còn làm đại diện khu vực Đông Nam Á cho một tập đoàn của Úc chuyên về ứng dụng công nghệ sinh học đa bội thể và ngoại ứng di truyền học cho nông lâm nghiệp phát triển bền vững.

Thời gian đầu, ngoài việc thành lập công ty và phát triển thị trường cho công ty tại Úc, Việt còn tiếp quản thương hiệu Quyên Quyên đã gắn bó với vùng đất Buôn Ma Thuột hơn 30 năm trong lĩnh vực nhà hàng, sản xuất rượu gia truyền và chế biến thực phẩm. Dù hai công việc chẳng liên quan gì với nhau nhưng Việt vẫn làm rất tốt, vì với Việt "không việc gì là không thể”.

"Thương hiệu gia đình Quyên Quyên đã nuôi lớn và tạo điều kiện để mấy anh em du học bên Úc, ba mẹ cũng đã lớn tuổi nên đây là lúc mình phải có trách nhiệm phát triển và xây dựng thương hiệu này để không phụ lòng ba mẹ”, Việt chia sẻ lý do trở về quê nhà.

Trong quá trình đi thực địa vùng rừng Yok Đôn để phát triển giống cây rừng thích hợp với vùng rừng khộp, Việt đã vô tình phát hiện ra cây nhàu rừng - cây bản địa mọc rất nhiều trong vùng rừng này. Mặc dù Quyên Quyên đã chế biến thức uống từ trái nhàu vườn nhưng không hề biết có cây nhàu rừng cũng là loại cây thuốc quý.

Và Việt còn khám phá được nhàu rừng hiện diện khắp nơi ở Buôn Đôn, những cánh rừng nhàu xanh mướt trải dài từ Đông sang Tây của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam này (rộng hơn 115.000ha) là nơi sản sinh ra loại cây nhàu rừng có hàm lượng dinh dưỡng và dược chất cao.

Khi mùa mưa đến, những cây nhàu rừng sai trái phủ kín những cánh rừng ở Buôn Đôn nhưng chẳng ai khai thác. Trái, rễ và lá của nhàu rừng đều có thể sử dụng để ăn hoặc làm thuốc. Trái nhàu rừng nhỏ, ít nước, khi chín chuyển qua màu đen sẫm chứ không phải màu trắng ngà như nhàu vườn nhưng giá trị dinh dưỡng cao hơn rất nhiều.

Đi nhiều nơi trên thế giới, về nhiều vùng quê của Việt Nam, Việt ngộ ra rằng đặc sản của các vùng miền luôn là món được lựa chọn làm quà trong những chuyến đi xa. Vì vậy, Việt quyết định biến trái nhàu rừng thành những món quà có giá trị cho du khách.

Năm 2012, xưởng sản xuất nước cốt nhàu do Việt làm chủ đã ra đời tại Đắk Lắk. Để có nguyên liệu sản xuất, anh thuê nhân công hằng ngày vào rừng hái nhàu, qua đó tạo công ăn việc làm cho nông dân trong những lúc nông nhàn.

Nhiều người nghĩ việc sản xuất đối với một người chuyên về công nghệ thông tin sẽ rất khó khăn, nhưng nhờ quá trình mười mấy năm học tập và làm việc ở nước ngoài đã giúp Việt có thêm tri thức và niềm tin thành công. Bắt đầu từ những mẻ ủ thử nghiệm, Việt đã nhanh chóng cho ra lò những lít cốt nhàu có giá trị chữa bệnh cao.

Thông tin về một cơ sở sản xuất nước cốt nhàu rừng lan nhanh trên thị trường và nhiều đối tác Hàn Quốc, Úc, Nhật đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ nước cốt nhàu thô. Đầu ra thuận lợi như vậy, những tưởng Việt sẽ nhận lời, nhưng anh lại từ chối. Việt bảo: "Tại sao phải xuất khẩu thô trong khi hoàn toàn có thể tinh chế sản phẩm và xây dựng thương hiệu".

Vậy là anh lại mày mò sản xuất nước cốt nhàu tinh chế với nhiều loại, đủ hàm lượng khác nhau mang thương hiệu Yokdoni. Việt nhận xét: "Điểm yếu của người Việt là thích bán nguyên liệu thô trong khi có thể làm ra sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần".

Từ vài chục lít cốt nhàu mỗi mẻ thời gian đầu, đến nay, sau mỗi lần ủ, xưởng của Việt đã cung cấp ra thị trường cả ngàn lít cốt nhàu quý và rượu vang mang thương hiệu Yokdoni. Hiện, sản phẩm nước cốt nhàu rừng và rượu vang của Việt đã được nhiều khách hàng quan tâm, được tiêu thụ trong hệ thống nhà hàng, khách sạn Saigontourist, chuỗi du lịch Long Phú, các kênh phân phối đặc sản vùng miền trong cả nước.

Chưa bằng lòng với xưởng sản xuất nước cốt nhàu và vang nhàu, Việt luôn trăn trở làm sao để tạo ra giá trị bền vững cho địa phương, bảo vệ và phát triển rừng. Từ khai thác, Việt nghiên cứu cho nhân giống và quyết định phát triển thành những rừng nhàu để tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, và về lâu dài, người dân sẽ trồng và bảo vệ rừng.

Song song đó, Việt cũng đang liên kết với nông dân trồng sâm, cây chùm ngây (Moringa)... trên diện tích 10ha. Điều Việt tâm đắc nhất là sản phẩm đặc trưng vùng miền gắn kết với kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Và với diện tích trồng lớn như vậy, trong vòng 3 - 5 năm nữa, Việt có thể có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất, cung cấp thức uống quý này.

Rồi trong tương lai Yok Đôn sẽ có rừng nhàu nguyên chủng, và Việt Nam sẽ được cả thế giới biết đến với cây nhàu rừng vốn dĩ cùng họ với cây cà phê đã nổi tiếng thế giới.

Từ một chàng trai chuyên về công nghệ viễn thông, giờ đây Việt có đủ kiến thức, kỹ năng để vận hành cùng lúc ba lĩnh vực: kinh doanh nhà hàng, thực phẩm, rau sạch; sản xuất thức uống Yokdoni và nghiên cứu sinh học giống cây trồng của Úc.

Việt chia sẻ: "Đam mê thì mình có nhiều nhưng làm sao để biến những đam mê đó thành công việc có ích cho con người, cộng đồng, môi trường và xã hội thì niềm đam mê đó mới trọn vẹn".
Theo Hồng Nga/Doanh nhân Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm