1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai:

Chàng trai "chân đất" mày mò làm mật ong sạch, thu về hàng trăm triệu đồng

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Học hết lớp 12, Quang đã kế thừa nghề nuôi ong của gia đình. Chàng trai phố núi đã bỏ tâm huyết xây dựng nên thương hiệu mật ong sạch, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chàng trai Hùynh Xuân Quang (SN 1989, trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, Gia Lai) sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đỏ. Từ nhỏ, Quang đã giúp bố mẹ chăm đàn ong. Các tập tính và kỹ thuật nuôi con ong, Quang đều thuộc lòng.

Tuy nhiên, chàng trai phố núi vẫn ấp ủ làm nên những giọt mật ong nguyên chất, mang thương hiệu của quê nhà.

Chàng trai nuôi ước mơ làm ra loại mật ong sạch

Học hết lớp 12, Quang đã nối nghề của gia đình. Quang tâm sự: "Gia đình mình nuôi ong từ năm 1986. Sau khi học xong lớp 12 năm 2007, mình bắt đầu xin bố mẹ cho nuôi vài thùng ong. Mình nhận thấy, nghề nuôi ong rất có tiền năng trên mảnh đất này. Nhưng người dân vẫn chưa biết xây dựng thương hiệu và phần kỹ thuật còn thô sơ nên chưa cho ra loại mật chất lượng.".  

Chàng trai chân đất mày mò làm mật ong sạch, thu về hàng trăm triệu đồng - 1
Học xong lớp 12, Quang đã tiếp tục nối nghiệp nghề nuôi ong của gia đình

Sau khi có những đàn ong của riêng mình, anh đã tự mày mò trên các trang mạng, sách hướng nghiệp để gây dựng nên một trang trại đạt chuẩn. Với sức trẻ, Quang đã đi khắp các trang trại để tận mặt quan sát quy trình để tạo ra những giọt mật chất lượng.

Những năm đầu, vì tay nghề non yếu nên trong quá trình nuôi ong lấy mật của Quang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Quang, để có giọt mật ngon thì chọn hoa được xem là bí quyết để thành công.

Chính vì vậy, anh đã di chuyển phần lớn đàn ong của mình để đưa vào cánh rừng đặc dụng Đắk Uy. Thế nhưng, lên rừng, anh lại gặp một số khó khăn như đồng vốn hạn hẹp, lán trại tạm bợ, nguồn điện nước sinh hoạt không có...

Chàng trai chân đất mày mò làm mật ong sạch, thu về hàng trăm triệu đồng - 2
Anh mong muốn tự tay làm nên những giọt mật chất lượng và hướng ra thị trường nước ngoài

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn không từ bỏ công việc của mình. Trải qua 13 năm cần mẫn chăm đàn ong mật, Quang đang sở hữu hơn 500 đàn. Trung bình một năm anh lấy mật khoảng 25 - 30 lần. 

Khi đã có vốn, Quang bắt đầu mua sắm các thiết bị máy móc để phục vụ cho quá trình sản xuất như máy lọc mật, máy bơm mật, máy chiết rót, máy hạ thị phần…Tổng số vốn mà anh đầu tư vào các loại máy móc trên và thùng chứa mật khoảng hơn 600 triệu đồng.

"Có máy móc và thiết bị, quá trình sản xuất mật sẽ đơn giản mà chất lượng mật sẽ tốt hơn nhiều. Đơn giản như có máy hạ thị phần mình sẽ hạ bớt lượng nước trong mật, máy lọc sẽ lọc được những tạp chất lẫn trong mật khi thu về, hay máy chiết rót sẽ giảm được các khâu đóng chai thủ công. Nói chung, có những thiết bị máy móc trên vừa giảm chi phí sản xuất và thuê nhân công, chất lượng mật lại tốt hơn nhiều.", Quang cho biết. 

Chàng trai chân đất mày mò làm mật ong sạch, thu về hàng trăm triệu đồng - 3
Nhờ sự vượt khó, Quang đã xây dựng một trang trại với hơn 500 đàn ong, thu về trên 500 triệu đồng mỗi năm

Trung bình một ngày, vợ chồng Quang đóng từ 100 - 200 chai mật ong có nhãn mác với thương hiệu mật Phước Hỷ. Đặc biệt, bộ sản phẩm mật ong nguyên chất, phấn hoa mật ong, mật ong bánh tổ của Quang đã được chứng nhận Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020.

Không chỉ nuôi ong lấy mật, Quang còn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trên địa bàn xã. Trung bình, anh bán ra thị trường khoảng 60 tấn mật ong/năm. Loại mật ong của Quang đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2019.

Chàng trai chân đất mày mò làm mật ong sạch, thu về hàng trăm triệu đồng - 4
Loại mật ong của Quang đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2019

Hiện sản phẩm này đang được xem xét chấm nâng hạng lên 5 sao. Đồng thời, Quang đang xây dựng thương hiệu mật ong chất lượng, đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Nhờ vậy mà mỗi năm, cơ sở của Quang đã thu về trên 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dư (Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng) cho biết: "Quang là một thành viên trong tổ liên kết sản xuất nuôi ong lấy mật của xã Nghĩa Hưng, đây cũng là hộ có số đàn ong lớn nhất. Đặc biệt, sản phẩm mật ong của Quang cũng là sản phẩm đầu tiên trong tổ đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh".