Chàng trai 9X nuôi ốc nhồi kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm
(Dân trí) - Sau quá trình lăn lộn từ nam chí bắc với nhiều công việc khác nhau, anh Nguyễn Văn Chính ở xã Định Liên, huyện Yên Định quay về quê hương Thanh Hoá để đầu tư nuôi ốc nhồi. Mô hình nuôi ốc của chàng thanh niên 9X đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Dù còn trẻ, nhưng anh Nguyễn Văn Chính (SN 1992), ở thôn Bái Thùy, xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng cho mình một mô hình nuôi con đặc sản chỉ ăn bèo tấm, lá cây, tốn ít công sức nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi học xong cấp ba, anh Chính lăn lộn từ nam ra bắc với nhiều công việc khác nhau. Cơ duyên đến với nghề nuôi ốc nhồi của anh Chính cũng rất tình cờ. Trong một lần trò chuyện với bạn bè về ốc nhồi, anh Chính cảm thấy thích thú và bắt đầu tìm hiểu về loài ốc này.
Từ năm 2013, anh Chính bắt đầu làm quen và qua qúa trình tìm hiểu, anh dần đam mê với con ốc nhồi. Để tích lũy cho mình vốn kiến thức, kinh nghiệm nuôi ốc, anh Chính đã lặn lội ra tỉnh Hải Dương để học tập kinh nghiệm.
Dù còn rất trẻ, nhưng anh Nguyễn Văn Chính đã làm chủ được kỹ thuật về con giống ốc nhồi.
Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về con ốc nhồi, anh Chính đã đi đến quyết định đầu tư mô hình nuôi ốc nhồi. Để có con giống, anh tìm đến các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa để mua ốc giống từ người dân về nuôi.
Vạn sự khởi đầu nan, mặc dù đã tích lũy được chút ít kiến thức, kinh nghiệm nhưng do còn thiếu về kỹ thuật nên thời gian đầu, ốc nhồi chậm phát triển và chết dần. Có những thời điểm ốc chết nổi đầy mặt nước. Đã có những lúc, anh Chính muốn bỏ cuộc để tìm kiếm một công việc khác.
Nhưng với quyết tâm, ý chí của một chàng thanh niên ham mê làm giàu, anh lại khăn gói đi học tập thêm kỹ thuật nuôi ốc nhồi. Đến năm 2016, sau một thời gian học hỏi, anh đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi và tìm ra được nguyên nhân khiến ốc chết.
Theo kinh nghiệm của anh Chính, loài ốc nhồi ưa sạch, nguồn thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên như: bèo tấm, rau mồng tơi, lá sắn... Nếu thức ăn có hóa chất bảo quản thì ốc nhồi sẽ chết và không có cách cứu chữa. Đồng thời, lượng thức ăn chỉ cho vừa đủ, nếu dư thừa sẽ khiến nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến ốc bị chết.
Không chỉ thức ăn mà nguồn nước cũng cần phải để ý, nước trong ao nuôi luôn duy trì từ 40 - 100 cm là an toàn cho ốc. Mùa đông, ốc nhồi dường như không hoạt động, lúc này cần hút hết nước trong ao để ốc rúc xuống bùn trú đông, hoặc thả thật dày cây lục bình xuống ao để giữ ấm cho ốc.
Sau 12 tháng nuôi, ốc nhồi bắt đầu sinh sản và thời gian sinh sản thường là từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch. Mỗi con ốc mẹ đẻ từ 5 - 6 ổ trứng/năm, thời gian ấp trứng từ 20 - 25 ngày. Khi ốc nhồi ấp phải thường xuyên quan sát trứng và luôn giữ cho trứng khô.
Ốc nhồi sau 30 ngày tuổi có giá là 500 đồng/con, ốc bố mẹ từ 160 - 180 nghìn đồng/kg. Ốc nhồi nuôi sau 3 tháng là có thể xuất bán ốc thịt.
Người dân địa phương thường gọi anh bằng cái tên thân thiện là Chính “ốc nhồi”. Nhiều năm qua, mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình anh Chính đã cung ứng giống cho người dân ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Mỗi năm, thu nhập từ mô hình nuôi ốc nhồi của anh Chính khoảng 300 triệu đồng trở lên.
“Con ốc nhồi ngoài tự nhiên đang khan hiếm, giá cả lại cao, trong khi đó chi phí thức ăn và công chăm sóc ốc lại ít nhưng hiệu quả kinh tế mà nó mang lại rất cao”, anh Chính chia sẻ.
Hiện anh Chính đã làm chủ được kỹ thuật về con giống. Mô hình của anh là địa chỉ tin cậy về con giống cho người dân tại nhiều địa phương. Không chỉ là nơi cung cấp con giống, anh Chính còn bao tiêu, dẫn mối tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Đồng thời, anh đang có dự định mở rộng diện tích mô hình nuôi ốc để tăng thu nhập.
Duy Tuyên