Cậu bé bụi đời bất ngờ thành ông chủ xưởng giày vì lý do đặc biệt
(Dân trí) - Từ một cậu bé bụi đời trở thành chủ xưởng sản xuất giày, dép da, anh Dương chưa bao giờ quên món nợ ân tình của gia đình "người dưng" đã chăm lo, dạy nghề cho mình.
Món nợ ân tình của cậu nhóc bụi đời
Sáng sớm, mấy đôi giày, dép cũ, sờn rách đã chất đống trên chiếc bàn đề tấm biển "sửa giày miễn phí cho tất cả mọi người" của anh Nguyễn Ngô Dương (SN 1983, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM).
Chiếc bàn được đặt ngay trước xưởng giày da của anh Dương, nơi phải đi qua một đoạn sâu hút mới đến.
Cứ mỗi cuối tuần, người bán vé số, nhặt ve chai,… lại lui tới, nhờ anh Dương sửa giúp đôi dép, chiếc giày để mang đi mưu sinh. Người này sửa xong lại giới thiệu cho người kia. Thấm thoát, anh Dương đã sửa giày miễn phí cho người lao động nghèo suốt 8 năm qua.
"Tôi thấy dù sao mình cũng bảo hành giày, dép trọn đời cho khách hàng nên cũng không ngại dành thêm thời gian sửa miễn phí cho người nghèo", anh chia sẻ.
Trong khi các công nhân khác đang tất bật soạn hàng bên trong, anh Dương cũng cặm cụi ở quầy giày phía trước. Mồ hôi thấm đẫm trên trán cũng không che được nụ cười hạnh phúc của người đàn ông đang làm một việc dù không được trả công đồng nào.
Anh Dương kể lại rằng tháng trước, anh vừa sửa xong đôi giày cho cậu nhóc bán vé số mắc bệnh thiểu năng trí tuệ. Nhìn cậu nhóc ngây ngô, thích thú khi đôi giày không còn khập khiễng, rách rưới đủ chỗ, anh cũng vô thức mà nở nụ cười.
"Tôi sửa giày miễn phí không phải để giúp người khác, mà đang giúp bản thân mình", anh cười, nói. Sau câu này, người đàn ông bắt đầu kể lại hành trình từ một cậu nhóc bụi đời đến ông chủ tiệm giày da của mình.
Anh Dương cho hay anh vốn sinh ra tại một gia đình nghèo ở tỉnh Bình Dương, với 9 người anh em. Nhà đông con, bố lại mất sớm, mẹ anh một mình tần tảo đủ cách nhưng không tài nào nuôi và dành tình cảm đủ đầy cho hết thảy 9 người con.
Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Dương lúc ấy, quyết định rời nhà để vào TPHCM lập nghiệp. Cuộc sống bụi đời của cậu nhóc 13 tuổi cũng bắt đầu từ đó.
Ý chí thay đổi số phận
Thời gian đầu, anh xin vào làm công nhân với mức lương ít ỏi. Vì thiếu tình thương gia đình, Dương trở thành một cậu nhóc quậy phá, chuyện tụ tập với đám trẻ bụi đời. Anh nhớ rõ mình từng là một người ngỗ nghịch, ăn nói láo xược và rất dễ học theo bạn bè làm người xấu.
Sợ tương lai của Dương sẽ đi theo con đường không tốt, một người quen đã giới thiệu cho anh đến học việc tại một xưởng giày ở quận 4.
"Nghe người chị giới thiệu làm ở đây nhiều tiền, tôi mới thích thú rồi đi ngay. Xưởng giày đó là của một gia đình bình thường, 2 vợ chồng và 1 người con trai", anh kể lại.
Những tưởng bản thân sẽ được đối xử như những người chủ cũ, nhưng anh Dương lại bất ngờ khi gia đình này xem anh như con trai trong nhà. Thậm chí, anh còn gọi con trai của ông chủ là "anh hai", được cho ăn, ở, dạy cách ăn nói, đi đứng, xưng hô như một con người đàng hoàng.
Anh còn được gia đình này hỗ trợ cho đi học bổ túc văn hóa và truyền cho nghề làm giày da. Nhờ vậy, anh mới trở thành một thanh niên vô cùng chăm chỉ, ham học hỏi.
Lớn lên, anh quyết định mở xưởng giày, dép cho riêng mình. Tuy nhiên, lần khởi nghiệp đầu tiên thất bại đã khiến anh rơi vào nợ nần đến hàng tỷ đồng.
Không khuất phục trước khó khăn, năm 2016, anh Dương quyết định mở xưởng giày, dép một lần nữa. Nhờ những bài học từ lần khó khăn trước, xưởng sản xuất ngày càng thành công, đơn hàng đến liên tục.
"Dù không máu mủ, ruột thịt nhưng gia đình ấy vẫn thường xuyên liên lạc, cho lời khuyên và động viên tôi. Mặc dù bây giờ xưởng có chút khó khăn vì tình hình kinh tế chung, nhưng vẫn khá ổn định. Tôi từ một cậu nhóc bụi đời, không ngờ mình có thể làm chủ cả một xưởng sản xuất như vậy", anh Dương xúc động, nói.
Để trả ơn gia đình đã giúp mình, anh Dương đã suy nghĩ đủ cách. Tuy nhiên, người chủ cũ chỉ khuyên anh làm điều gì đó có ích cho đời, vậy là đã đủ trả ơn cho họ. Vì thế, chàng trai quyết định vừa điều hành xưởng giày, vừa sửa giày miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn.
"Làm việc này, tôi thấy bản thân nhẹ nhõm và trân trọng cuộc sống hơn. Nhận những đôi giày rách trên tay, chứng kiến người nghèo phải đi chân đất, tôi cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều người. Mỗi một đôi giày lành lặn trao lại cho họ, tôi thấy bản thân hạnh phúc hơn rất nhiều, cảm giác như mình đang được nhận lại chứ không hẳn là cho đi", anh Dương bày tỏ.