Cao đẳng chuyên nghiệp: Tỉ lệ thất nghiệp đạt mức cao nhất với 6,6 %

(Dân trí) - “So với quý 1/2016, thất nghiệp tăng về số lượng và tỉ lệ. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc nhóm cao đẳng chuyên nghiệp với 6,6%; tiếp sau là nhóm đại học trở lên chiếm 4,0%; nhóm cao đẳng nghề 3,66%”.


Lao động tìm việc tại TT DVVL Hà Nội (Ảnh: H.M)

Lao động tìm việc tại TT DVVL Hà Nội (Ảnh: H.M)

Ông Phạm Quang Vinh - Viện trưởng Viện KHLĐXH (Bộ LĐ-TB&XH), trưởng Ban biên soạn Bản tin thị trường lao động - nhận định về các số liệu thất nghiệp trong quý 2/2016. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện sáng 17/8 tại Hà Nội.

Trả lời câu hỏi về nghịch lý khi tỉ lệ thất nghiệp của đại học cao trong khi thị trường đang cần nhiều lao động có chuyên môn kỹ thuật, ông Phạm Quang Vinh cho biết: “Thực tế là cả nước đang thừa lao động ở nhóm mà thị trường lao động đang không cần. Ngược lại, những nhóm lao động mà thị trường đang rất cần là đang thiếu”.

Đại diện Ban biên tập Bản tin thị trường đơn cử, nhóm cao đẳng đại học và trung học chuyên nghiệp, một số ngành quản trị kinh doanh hoặc kinh tế đang dư thừa. Trong khi đó, kỹ sư trong các nhà máy, thợ có tay nghề bậc cao hoặc lành nghề đang thiếu.

“Nhiều doanh nghiệp đang không tìm kiếm được nhân lực có tay nghề cao. Điều này phản án độ vênh nhất định giữa đào tạo và nhu cầu thị trường” - ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

Bản tin thị trường lao động quý 2/2016 cho thấy: Cả nước có 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 164.000 người so với quý 1/2016 và giảm 55.900 người so với quý 2/2015.

Trong số những người bị thất nghiệp, có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật; các nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất là nhóm trình độ đại học trở lên là 191.300 người, cao đẳng chuyên nghiệp là 94.800 người và trung cấp chuyên nghiệp khoảng 59.100 người.

Tỉ lệ thất nghiệp thanh niên là 7,1%, cao hơn so với quý 1/2016 và cùng kỳ năm 2015. Riêng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 11,3%, gấp 5 lần tỉ lệ thất nghiệp chung. Số người thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng) chiếm 22,6% tổng số người thất nghiệp.

Thiếu việc làm giảm mạnh cả số lượng và tỉ lệ.

Theo Bản tin thị trường lao động quý 2/2016, cả nước có 1,41 triệu lao động có thời gian làm việc dưới 35 giờ/tuần; riêng số người trong độ tuổi lao động bị thiếu việc làm là 721.000 người, giảm 100.000 người so với quý 1/2016 và 111.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý 2 là 1,55%, giảm 0,21 điểm phần trăm so với quý 1/2016. Số giờ làm việc bình quân một tuần của lao động thiếu việc làm là 26,45 giờ, giảm 1,58 giờ so với quý 1/2016, chỉ bằng 55,5% tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước (47,69 giờ/tuần).

Hoàng Mạnh