1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cảnh ăn bờ ngủ bụi, mắt nhắm mắt mở của những người "buôn Tết"

Hoàng Lam

(Dân trí) - "Buôn hàng Tết lo đủ đường, lo trời mưa nắng thất thường, lo không có khách. Đêm ngủ chập chờn "mắt nhắm mắt mở", sợ trộm vào khuân cây...", anh Trần Đình Dương chia sẻ.

Đây là năm thứ 7, anh Trần Đình Dương (35 tuổi, trú tại TP Vinh, Nghệ An) buôn cây cảnh Tết. Để chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán Quý Mão, anh Dương nhập 700 chậu quất từ Hưng Yên về bán. Vợ mang bầu gần sinh nên không phụ chồng như mọi năm, anh Dương hợp tác với 3 người bạn khác nhưng anh vẫn đóng vai trò chủ lực.

Cảnh ăn bờ ngủ bụi, mắt nhắm mắt mở của những người buôn Tết - 1

Anh Trần Đình Dương và bữa ăn vội lúc tối muộn.

"Hồi đầu mới tập tành buôn bán, hai vợ chồng ôm 2 đứa con theo, khi đó con bé thứ 2 chưa đầy 1 tuổi, cả nhà "ăn bờ ngủ bụi" đúng chuẩn nghĩa đen luôn. Bao nhiêu tiền đổ vào đấy, vừa lo lỗ vốn, vừa lo con ốm", anh Dương chia sẻ.

Sau khi tưới nước cho hàng trăm chậu quất bày kín vỉa hè thuê trên đường 3/2, anh Dương ăn vội bát cơm mẹ mang ra rồi đi dựng lại chiếc lều - sẽ là nơi trú ngụ của anh đến Tết. Khác với những chiếc lều tạm bợ của những bạn hàng khác, anh Dương thuê khung sắt kê cao giường, dùng lều chuyên dụng, phủ thêm một tấm bạt nhựa, tránh được rắn rết lại không lo mưa ngập...

Cảnh ăn bờ ngủ bụi, mắt nhắm mắt mở của những người buôn Tết - 2

Căn lều của anh Dương khá tươm tất so với nhiều bạn hàng khác.

Nửa tháng cận Tết là những ngày ăn đường, ngủ lều của anh Dương. Năm nay thời tiết dịp Tết khá thất thường, vừa trải qua mấy ngày mưa rét thì nay lại nắng như mùa hè. Mà cây quất lại "kỵ" nắng nóng nên phải tìm cách che chắn, tưới tắm để tránh bị héo, quăn lá, ảnh hưởng đến mẫu mã.

Anh Dương bán ở thành phố đến tầm 25 Tết, sau đó dọn hàng, chuyển lên huyện Nam Đàn bán, bởi 7 năm trong nghề, anh đã nắm bắt được quy luật mua sắm Tết của người dân.

Nếu như người dân thành phố sắm Tết sớm thì người dân nông thôn thường phải gieo cấy xong xuôi, cận Tết mới đi mua. Tất nhiên, nếu đưa hàng về nông thôn thì giá cũng sẽ mềm hơn. Với phương án "di tản" hàng theo thời điểm như thế, thường anh Dương không gặp cảnh ế hàng, cùng lắm chiều 30 Tết "xả" với giá gốc.

Cảnh ăn bờ ngủ bụi, mắt nhắm mắt mở của những người buôn Tết - 3

Mỗi năm chỉ có một lần, nhưng người bán cây cảnh, hoa Tết chấp nhận cảnh "ăn bờ, ngủ bụi" để mong một cái Tết đủ đầy, sung túc hơn.

Cũng như nhiều người buôn cây cảnh, hoa Tết, anh Dương hầu như không có thời gian để sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa. Thay vào đó, mọi thứ đã được chuẩn bị trước khi vào vụ. Hầu như năm nào cũng vậy, phải đến 21h đêm Giao thừa, vợ chồng anh Dương mới dọn dẹp xong, về đến nhà. "Mình đi buôn kiếm thêm đồng vốn tích lũy, phải chấp nhận thôi", anh trải lòng.

Cảnh ăn bờ ngủ bụi của những người "buôn" Tết (Video: Hoàng Lam).

7 năm trong nghề, trải qua đủ vất vả, nhọc nhằn, nỗi sợ lớn nhất của anh Dương là mất trộm. Hàng hóa trải trên vỉa hè, ngày thì không sao nhưng đêm, nhất là tầm 5h sáng, khi đèn đường tắt cũng là thời điểm nguy cơ trộm cắp hoành hành.

"Có năm, đến giờ thì họ tắt đèn đường nhưng trời vẫn tối như bưng. Trong ánh sáng lờ mờ từ đèn pin tôi phát hiện có trộm, vội lao ra tri hô. Tên trộm sợ, vứt chậu quất lại nhưng vỡ bầu rồi, thành ra cũng chẳng bán được. Nói là ngủ nhưng thực ra đêm có dám ngủ đâu, một mắt nhắm, một mắt thức để còn canh chứ không thì mất Tết", anh Dương chia sẻ.

Cảnh ăn bờ ngủ bụi, mắt nhắm mắt mở của những người buôn Tết - 4

Xa nhà mưu sinh dịp Tết, anh Nam chỉ mong bán nhanh hết mai để kịp về Bình Định đón năm mới cùng vợ con.

Nếu như anh Dương lo nắng làm quất bị quăn lá, xấu mã thì anh Trần Văn Nam (32 tuổi) lại như trút được gánh lo cả tuần qua. Nắng lên, nụ mai sẽ bật mạnh, khả năng cao nở đúng dịp Tết.

Từ huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), anh Nam và người em trai hùn vốn "ôm" 200 chậu mai, thuê xe tải chở ra Nghệ An bán. Năm nay thời tiết không thuận lợi, mai mới đơm nụ bé xíu, chất hàng lên xe mà thấp thỏm nỗi lo nhỡ không kịp nở, khách chê không mua.

Cảnh ăn bờ ngủ bụi, mắt nhắm mắt mở của những người buôn Tết - 5

Giấc ngủ nhọc nhằn, thấp thỏm lo âu của những người bán đào Tết ở Nghệ An giữa thời tiết thất thường, sức mua giảm.

Tính cả vốn, cước phí vận chuyển và tiền thuê mặt bằng anh em Nam đổ vào chuyến buôn này cũng ngót 230 triệu đồng. "Buôn bán cũng may rủi lắm. Có năm lời, có năm hòa vốn, có năm chiều tối 30 vẫn còn mấy chục cây, phải bán tống, bán tháo vớt vát để kịp về quê đón Tết", anh Nam trải lòng.

Chỗ trú ngụ của anh em Nam là tấm bạt vắt qua sợi dây thép buộc giữa 2 cây phi lao, một tấm phản, cái chăn mỏng. Trên sạp, quần áo ba lô vứt lộn xộn cùng thùng mì tôm đã vơi một nửa, chiếc ănggô kim loại vừa đun nước, vừa pha mỳ. Với anh Nam, cái sự ăn, ở lúc này không quan trọng bằng việc mai nở và bán được hết hàng.

Cảnh ăn bờ ngủ bụi, mắt nhắm mắt mở của những người buôn Tết - 6

Căn lều tạm của một người bán quất Tết ở TP Vinh (Nghệ An).

Mấy hôm trước trời rét, sáng phải kéo bạt ra cho cây lấy khí trời, tối kéo lại chắn gió, rồi thắp bóng điện để "kích" hoa nở, lại phải "cõng" thêm chi phí. Đêm hai anh em thay nhau ngủ, nếu em ngủ lưng trên phản thì anh vắt vẻo trên võng, chong mắt canh mai và ngược lại. Từ Bình Định ra, anh em Nam chưa quen với giá lạnh miền Bắc, áo ấm không đủ, phải kiếm củi đốt thâu đêm.

"Nắng lên rồi, mong mai nở kịp chứ không thì lỗ chết. Hàng gì còn mang về được, chứ cả chục chậu mai, thuê ô tô chở về Bình Định thì quá tội. Có năm mai ế, sắp Giao thừa mới về đến nhà, thấy vợ con ngồi chờ mà ứa nước mắt. Chỉ mong năm nay hết hàng sớm về kịp, đưa vợ con đi sắm Tết", anh Nam chia sẻ.