Cần việc, sao còn ngại khó?
Ngại đi xa, ngại làm việc trái chuyên ngành là lý do khiến các bạn trẻ không tìm được việc làm như mong muốn.
Ngại đi xa làm việc là tâm lý chung của nhiều sinh viên khi tốt nghiệp. Tại Ngày hội Việc làm ĐH Quốc gia TPHCM mới đây, mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động khá cao nhưng nhiều sinh viên không tìm được việc làm như mong muốn.
Sinh viên Lê Hải Quỳnh, năm 4 Khoa Thủy sản Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, sau khi tham quan các gian hàng, cho biết: “Rất nhiều công ty tuyển dụng đúng chuyên ngành tôi học nhưng đều ở xa nên tôi chưa quyết định nộp hồ sơ”.
Sinh viên Trần Thanh Phúc đến từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho rằng rất nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng vị trí kỹ thuật chuyên về công nghệ thông tin. Nhưng đáng buồn là hầu hết các công ty đều ở xa, trong khi nguyện vọng của Phúc là được làm việc trong doanh nghiệp gần nhà cho tiện việc đi lại.
Cũng chính vì tâm lý ngại đi xa của sinh viên mà nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Mỹ Lan Group (KCN Long Đức, Trà Vinh), cho biết: Mặc dù công ty có nhiều chính sách ưu đãi cho sinh viên về công ty làm việc như môi trường làm việc tốt, chính sách lương cạnh tranh cùng với các chế độ đào tạo, phát triển nhưng sinh viên còn ngần ngại vì sợ làm việc xa nhà. Chính vì thế, công ty buộc phải sử dụng nhân lực tại địa phương thông qua Trường ĐH Trà Vinh.
Ngại làm việc trái chuyên ngành
Cách đây 2 năm, khi kinh tế suy thoái, nhiều công ty cắt giảm nhân sự, một số nhân viên phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau trái với chuyên ngành mình đã làm hoặc được học.
Nhưng điều bất ngờ khi suy thoái đi qua, các nhân viên đều nhận ra rằng đó cũng là cơ hội để họ có thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm mà trước đó họ chưa hề biết.
Chuyên gia tư vấn Trần Hữu Đức cho biết muốn đa năng thì hãy chấp nhận làm việc trái với chuyên ngành mình đã học, vì đó là cơ hội để các bạn trẻ thể hiện khả năng học hỏi của mình ở lĩnh vực mới. Qua việc làm trái chuyên môn, sinh viên sẽ tích lũy thêm kiến thức cũng như kỹ năng cho phát triển nghề nghiệp sau này.
Thích làm quản lý
Cũng tại Ngày hội Việc làm ĐH Quốc gia TPHCM, trong chương trình giao lưu “Lập nghiệp, con đường không trải hoa”, khi diễn giả đặt câu hỏi: “Ai muốn làm sếp khi ra trường?” thì gần như 100% cánh tay của sinh viên tham dự đều giơ lên.
Mong muốn được làm sếp cũng đúng với kết quả khảo sát sinh viên và nghề nghiệp do Công ty Nhân Việt tiến hành trên gần 1.000 sinh viên chuẩn bị và mới tốt nghiệp.
Kết quả khảo sát cho thấy 98% sinh viên bày tỏ khát vọng làm sếp trong tương lai. Lý do mà các bạn muốn trở thành nhà quản lý, vì họ mong có được mức lương cao cũng như địa vị, quyền hành trong xã hội.
Một sinh viên từng tâm sự, đã tốt nghiệp ĐH thì phải làm việc trong văn phòng sạch đẹp có máy lạnh chứ không thể trở thành một công nhân suốt ngày cặm cụi bên máy móc, quần áo lấm lem.
Trong khi đó, bà Lại Thu Trúc, Công ty Mỹ Á, cho rằng sinh viên cần thay đổi quan điểm trong định hướng nghề nghiệp: “Các bạn đừng ngại khó mà hãy bắt đầu nghề nghiệp từ những công việc nhỏ nhất. Nếu không thì khó có thể phát triển tương lai nghề nghiệp sau này”.