Cần tự động hóa các công việc nguy hiểm để tránh rủi ro cho người lao động

Hằng Nguyễn

(Dân trí) - Trong chuyến làm việc tại Công ty Núi Pháo, đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương nêu nhiều câu hỏi về nguy cơ tai nạn lao động tại doanh nghiệp công nghiệp nặng này.

Ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương và Đoàn công tác của Bộ đã tới nắm bắt tình hình thực tế triển khai công tác An toàn vệ sinh lao động tại Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). 

Cần tự động hóa các công việc nguy hiểm để tránh rủi ro cho người lao động - 1

Đoàn công tác Bộ Nội vụ đi thực địa nhà máy Công ty Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Ảnh: Minh Thắng).

Làm gì khi phần lớn lao động thường xuyên tiếp xúc với yếu tố độc hại, nguy hiểm?

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Truyền thông, cộng đồng và quan hệ đối ngoại Công ty Núi Pháo cho biết, doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng đa kim tại mỏ Núi Pháo, với các sản phẩm chính gồm vonfram, florit, đồng và bismut - những kim loại chiến lược quan trọng với nhiều ngành công nghiệp toàn cầu.

Hiện Công ty vận hành mỏ vonfram quy mô lớn, sở hữu nhà máy chế biến sâu, công nghệ và hệ thống quản lý hiện đại, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế địa phương và được xem là mô hình kiểu mẫu của ngành khai khoáng Việt Nam.

"Khoảng 1.000/1.124 lao động trực tiếp thường xuyên tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, độc hại. Do đó, công tác An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động và cấp quản lý", ông Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Trịnh Văn Nghĩa, Trưởng phòng Sức khỏe, an toàn và ứng phó khẩn cấp, trong năm 2024 và đầu năm 2025, mỗi nhân viên được huấn luyện an toàn trung bình 9,8 giờ. Doanh nghiệp phát hiện và xử lý hơn 7.400 mối nguy, tổ chức gần 20.000 giờ đào tạo và 18 cuộc diễn tập khẩn cấp như chữa cháy, sự cố hóa chất, sốc nhiệt và bức xạ. Gần 6.000 thiết bị cũng đã được kiểm tra an toàn.

Cần tự động hóa các công việc nguy hiểm để tránh rủi ro cho người lao động - 2

Công ty Núi Pháo cho biết công tác an toàn vệ sinh lao động luôn được ưu tiên hàng đầu (Ảnh: Minh Thắng).

Tuy vậy, ông Bùi Doãn Trung, Phó phòng Điều kiện lao động (Cục Việc làm), cho biết đa phần lao động tại đây thường xuyên tiếp xúc với yếu tố độc hại, nguy hiểm, trong đó 25% nhân lực công ty là nữ. Ông đặt vấn đề về việc bố trí ca kíp, thời gian nghỉ ngơi, sử dụng lao động nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ khi môi trường làm việc tiếp xúc nhiều hóa chất.

Ông Trung cũng lưu ý, khi sản lượng tăng do Trung Quốc cấm xuất khẩu, tần suất sự cố tại doanh nghiệp năm 2025 là 0,71 - cao hơn năm trước, trong khi số cuộc họp về an toàn lại giảm.

"Tăng sản xuất có khiến công ty lơ là việc kiểm soát an toàn?", ông đặt câu hỏi.

Trả lời, ông Ashley McAleese, Tổng giám đốc công ty, khẳng định doanh nghiệp không bao giờ xem nhẹ việc kiểm soát an toàn lao động. Ông cho biết doanh nghiệp xây dựng văn hóa an toàn dựa trên đánh giá hằng ngày theo ba mức độ A, B, C.

"A là một ngày làm việc an toàn, B là bình thường, C là có sự cố hoặc dấu hiệu bất thường. Mỗi đội nhóm đều bắt đầu ngày mới với việc tự đánh giá mức độ an toàn", ông nói.

Cần tự động hóa các công việc nguy hiểm để tránh rủi ro cho người lao động - 3

Ông Ashley McAleese, Tổng giám đốc công ty Núi Pháo (Ảnh: Minh Thắng).

Theo ông, mỗi vị trí đều có quy chuẩn an toàn riêng. Trước mỗi ca làm việc, đội nhóm dành 5 phút trao đổi về các rủi ro. Người lao động tự đánh giá rủi ro công việc, sau đó bộ phận an toàn và lãnh đạo công ty kiểm tra chéo định kỳ.

"Chúng tôi điều tra cả những rủi ro chưa gây hậu quả. Ví dụ như một hòn đá rơi nhưng chưa ai bị thương, chúng tôi vẫn xử lý nghiêm túc. Điều tra phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ để ngăn chặn sự cố tương tự, không nhằm đổ lỗi cho cá nhân hay thiết bị", ông McAleese thông tin.

Công ty cũng đào tạo trưởng bộ phận, kỹ sư phương pháp điều tra nguyên nhân sự cố. Hằng năm, các bộ phận đều đánh giá rủi ro, rà soát lại chính sách an toàn, cập nhật nếu cần thiết. Văn bản quy chuẩn an toàn được rà soát và sửa đổi định kỳ 1-2 năm.

Kiểm soát rủi ro với nhà thầu phụ

Ông Nguyễn Vân Yên, Trưởng phòng Kiểm tra và kiểm soát rủi ro (Cục Việc làm), nhắc lại vụ tai nạn lao động năm 2021 liên quan đến nhà thầu phụ và đề nghị doanh nghiệp làm rõ công tác giám sát với nhóm nhà thầu này.

Ông cũng lưu ý kết quả đo quan trắc môi trường năm 2022 cho thấy 11/250 mẫu không đạt tiêu chuẩn, yêu cầu công ty báo cáo cách xử lý, nhất là khi công ty có phòng y tế được đánh giá cao.

Ông Trịnh Văn Nghĩa cho biết công ty áp dụng tiêu chí nghiêm ngặt với nhà thầu. Họ phải hoàn thành các khóa học và kiểm tra an toàn trước khi làm việc. Nhà thầu làm trong nhà máy phải học thêm khóa cô lập năng lượng, còn người khai thác phải học quy định an toàn giao thông trong khu vực mỏ.

"Nhiều nhà thầu lúc đầu phàn nàn vì quy định quá chặt, nhưng sau đó họ nhận ra điều đó giúp họ làm việc an toàn hơn", ông Nghĩa chia sẻ.

An toàn lao động là thước đo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Khương đánh giá khai thác khoáng sản là ngành có vai trò quan trọng trong công nghiệp hóa, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro tai nạn và bệnh nghề nghiệp cao. Vì vậy, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là thước đo trách nhiệm xã hội và cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Cần tự động hóa các công việc nguy hiểm để tránh rủi ro cho người lao động - 4

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Khương phát biểu kết luận buổi làm việc (Ảnh: Minh Thắng).

Ông cho biết, mỏ Núi Pháo là một trong những mỏ vonfram lớn đầu tiên ở Việt Nam được khai thác hiệu quả suốt 15 năm qua, tạo hàng nghìn việc làm, góp phần phục hồi sinh kế và phát triển kinh tế địa phương.

Thứ trưởng ghi nhận công ty đã quan tâm đầu tư cho công tác ATVSLĐ với hệ thống phòng ban đầy đủ, chú trọng huấn luyện, kiểm định thiết bị, khám sức khỏe định kỳ, cấp phát phương tiện bảo hộ cho người lao động. Thu nhập và đời sống tinh thần của người lao động cũng được cải thiện rõ rệt.

Ông đề nghị công ty tiếp tục thực hiện nghiêm Luật ATVSLĐ và Chỉ thị số 31 ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư. Doanh nghiệp cần đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất và quản trị an toàn, nhất là ở các vị trí nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cần tổ chức lao động hợp lý, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, nâng cao đời sống người lao động. "Phải tăng cường tuyên truyền, huấn luyện để người lao động có kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và chủ động phòng tránh tai nạn", Thứ trưởng kết luận.