Cần một ngân hàng thông tin về XKLĐ

Ông Đào Công Hải (ảnh), nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh việc đánh giá và tìm giải pháp nhằm tận dụng nguồn lực “hậu” XKLĐ.

Theo ông, chúng ta cần có những chính sách nào để phát huy nguồn nhân lực sau khi đi XKLĐ trở về?


Theo ông, chúng ta cần có những chính sách nào để phát huy nguồn nhân lực sau khi đi XKLĐ trở về?

Việc thực thi các quy định hỗ trợ tạo việc làm cho lao động xuất khẩu sau khi về nước còn thiếu những hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp XKLĐ và hệ thống hỗ trợ việc làm. Theo đó, cần quy định trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong việc tư vấn, giúp đỡ người đi xuất khẩu trở về, nhất là lao động về nước trước thời hạn trong trường hợp bất khả kháng như tai nạn.

Trong quá trình đào tạo cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần có sự định hướng về tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho việc làm tương lai, đặc biệt, cần tư vấn cho người lao động cách thức quản lý sử dụng tiền tiết kiệm hợp lý.

Bên cạnh đó, chúng ta cần mở rộng nội dung hoạt động của quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước trong việc tạo việc làm và đào tạo nghề, giúp người lao động tái hòa nhập thị trường lao động trong nước; xây dựng cơ chế chuyển tiếp bảo hiểm xã hội về nước cho người lao động.

Nhiều người từng đi XKLĐ phản ánh rất khó tìm việc tại các doanh nghiệp FDI, trong khi chính các doanh nghiệp FDI cũng có nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động này. Vậy cần có cơ chế nào để “cung-cầu” gặp nhau, thưa ông?

Những người đi XKLĐ thường được đánh giá cao bởi có kỷ luật lao động, tay nghề và ứng dụng nhanh công nghệ mới. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp FDI rất muốn tuyển dụng nguồn lao động này.

Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta không có cơ sở dữ liệu về người từng đi XKLĐ. Chúng ta mới chỉ quan tâm đưa người đi XKLĐ chứ chưa quy định trách nhiệm cụ thể trong việc tổng hợp, đánh giá nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về theo địa bàn, ngành nghề, trình độ, tuổi tác, giới tính, nguyện vọng… để từ đó có kế hoạch đào tại lại và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này.

Chính vì vậy, cần sớm xây dựng nguồn dữ liệu đối với những người đi XKLĐ trở về thì mới có thể tiếp cận, tận dụng khớp nối được giữa “cung” và “cầu”.

Xin cảm ơn ông!

Theo Xuân Cường/Báo Tin tức