Căn cứ tính lại tuổi nghỉ hưu

Bà Nguyễn Thị Quỳnh (Hải Dương) làm công nhân nhà máy nhiệt điện. Vừa qua, bà được thông báo, căn cứ hồ sơ, bà sẽ nghỉ hưu vào tháng 10/2017 (ở tuổi 50). Tuy nhiên, theo Giấy CMND, khai sinh, hộ khẩu, ngày sinh của bà là 15/8/1970 và bà chưa đủ tuổi nghỉ hưu.

Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu Trường hợp nào nghỉ hưu sớm không cần giám định... Có được nghỉ hưu ở tuổi 45? Đã nghỉ việc, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH... Thủ tục đổi tên trong sổ BHXH

Bà Quỳnh hỏi, nếu cơ quan cho bà nghỉ hưu theo như thông báo thì thủ tục BHXH và BHYT có vướng mắc không? Bà có phải làm đơn đề nghị tính lại tuổi nghỉ hưu không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch , “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”.

Trường hợp có nội dung về ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Đồng thời, theo nội dung Công văn số 7066/VPCP-TCCV ngày 25/8/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc xác định tuổi của đảng viên, “Kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên”.

Vì vậy, để có căn cứ điều chỉnh ngày, tháng, năm sinh đã ghi trên sổ BHXH, đề nghị bà liên hệ với đơn vị sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ nộp cơ quan BHXH để xem xét, giải quyết.

Thành phần hồ sơ cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc, quốc tịch gồm:

- Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

- Sổ BHXH.

- Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định.

Trường hợp là đảng viên thì Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh, Giấy CMND hoặc Căn cước công dân phải thống nhất với tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.

Theo Chinhphu.vn