Cần có chương riêng về tố tụng lao động
Sáng 25.8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Tại phiên họp, nhiều đại biểu thảo luận về sự tham gia xét xử các vụ án lao động của Hội thẩm là đại diện của tổ chức Công đoàn.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ, các vụ án lao động có nhiều đặc thù riêng so với các vụ án dân sự thông thường. Vì vậy, thường trực ủy ban tư pháp tán thành với ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc cần quy định rõ vai trò của tổ chức công đoàn trong tố tụng dân sự khi tham gia vào việc giải quyết vụ án lao động, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tập thể, cá nhân người lao động.
Đối với thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án lao động thì cần quy định rõ: “Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án lao động gồm 1 thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân, trong đó một hội thẩm nhân dân là đại diện công đoàn hoặc người có hiểu biết về pháp luật lao động” (Điều 60 của dự thảo BLTTDS (sửa đổi).
Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hội đồng xét xử vụ án lao động, trong đó hội thẩm nhân dân có thể là cán bộ công đoàn hay không, việc này nên giao cho thẩm phán quyết định.
Ông Lợi cho biết, đến nay, trong dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) thì nội dung tố tụng lao động vẫn nằm rải rác ở các điều, không thành mục cụ thể, hoặc 1 chương riêng về tố tụng lao động như mong muốn ban đầu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cũng như Ủy ban về các vấn đề xã hội.
Cho ý kiến về thủ tục hoà giải trong lao động, ông Lợi cho rằng, quá trình giải quyết tranh chấp lao động có khác tranh chấp dân sự, trước khi ra tòa thì các bên có quá trình thương lượng, hoà giải mang tính bắt buộc nhưng vẫn có thể lựa chọn đưa ra toà theo trình tự tố tụng lao động.
Theo dự án bộ luật quy định chỉ đưa ra tòa giải quyết khi “các bên đương sự thống nhất đề nghị không tiến hành hòa giải”, điều này giúp giải quyết tranh chấp ngắn gọn, nhanh chóng hơn.
Về nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ trong vụ án lao động, ông Lợi cho rằng, nhiều nước quy định người sử dụng lao động cung cấp chứng cứ, Công ước quốc tế cũng theo hướng này. Do đó dự thảo nên quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc người sử dụng lao động trong một số vụ việc.
Về án phí trong vụ án lao động, ông Lợi đề nghị, công nhân, người lao động là bên yếu thế so với người sử dụng lao động, đặc biệt khi bị sa thải, không trả lương đủ... do đó nên quy định miễn, giảm án phí cho người lao động.
Ông Lợi cũng đề nghị nên có chương riêng về lĩnh vực tố tụng lao động. Vì hiện nay số vụ việc tranh chấp lao động đến toà ngày càng tăng, nhưng quy định về lĩnh vực này rải rác trong dự thảo bộ luật. Nếu người lao động khi xem dự thảo này thì không có khả năng hiểu biết, thực hiện trong thực tế. Việc thiết kế xen kẽ không thể hiện đặc thù của tranh chấp lao động.
Vì nhiều vụ án tranh chấp lao động giá trị thấp nhưng lại quan trọng, người lao động có thể bị sa thải, trả lương thiếu nên họ tin rằng kiện ra tòa họ sẽ lấy lại sự công bằng, như vậy sẽ hạn chế đình công. Do đó cần có chương để bảo vệ lợi ích cho người lao động.
Ông Lê Trọng Sang, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng việc đại diện công đoàn tham gia xét xử vụ án lao động là thể hiện đảm bảo sự công bằng, cũng như bảo vệ cho người yếu thế, vì tranh chấp lao động có tính chất đặc thù.
Khi xét xử Tòa căn cứ vào các quy định pháp luật chứ không bị ảnh hưởng bởi đại diện của công đoàn. "Tôi đồng tình với đại biểu Bùi Sỹ Lợi, về lâu về dài nên có riêng luật tố tụng lao động", ông Sang nói.