Cẩm nang giúp bạn chiếm cảm tình của sếp

(Dân trí) - Bạn có muốn cải thiện mối quan hệ với cấp trên? Trở thành một nhân viên được sếp quý mến không có nghĩa là bạn phải nịnh bợ sếp, mà việc đó đòi hỏi những nỗ lực để phối hợp hiệu quả trong công việc và hiểu được những gì sếp muốn ở bạn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dưới đây 12 thói quen mà bạn cần phát triển để giúp mối quan hệ với cấp trên ngày càng trở nên tốt đẹp hơn:

1. Đảm bảo rằng sếp nhất trí với những kỳ vọng của bạn

Hãy nói với nhà quản lý về những mục tiêu và ưu tiên của bạn trong năm, việc bạn có thể sẽ thành công như thế nào, và đảm bảo rằng sếp nhất trí với những kỳ vọng đó của bạn. Ngoài ra, bạn cũng cần phải nói về những thứ mà bạn không đặt lên hàng ưu tiên, vì nếu không, những mảng đó sẽ không được giải quyết và rốt cục gây vấn đề. Khi bạn đề cập tới những vấn đề này, sự trái ngược quan điểm giữa bạn với sếp có thể xảy ra, và bạn cần phải giải quyết những bất đồng đó.

2. Chú ý tới những dạng câu hỏi mà sếp đưa ra, từ đó hiểu rõ hơn về những điều mà sếp quan tâm

Bằng cách chú ý tới những gì sếp hay hỏi và có vẻ như sếp lo ngại, bạn có thể rút ra những thông điệp lớn hơn về những vấn đề mà sếp quan tâm trong tương lai. Chẳng hạn, bạn để ý thấy sếp thường hỏi về kế hoạch của bạn để đảm bảo là việc báo cáo hàng tháng không bị trì hoãn, hoặc việc bạn giải quyết công việc ra sao khi đồng nghiệp đi vắng. Nếu bạn lường trước được những câu hỏi này và làm xong công việc trước khi sếp hỏi, thì sếp chắc chắn rất đánh giá cao bạn.

3. Tạo điều kiện dễ dàng cho công việc của sếp

Khi sếp phân công công việc cho bạn, hãy nhắc lại sự phân công đó với sếp, bao gồm những gì bạn hiểu về kết quả mà sếp mong muốn, thời hạn hoàn thành, và bất kỳ trở ngại nào. Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Vậy là chúng ta sẽ tìm một đối tác có khả năng bán hàng nhanh hơn nhưng không ảnh hưởng đến giá cả, và chúng ta sẽ đi tới một số lựa chọn trước ngày 10/7”.

Ban đầu, việc nhắc lại yêu cầu của sếp có thể khiến bạn cảm thấy mình như một kẻ ngớ ngẩn, nhưng cách làm này giúp tránh được những hiểu nhầm. Sau đó, hãy thường xuyên báo cáo lên sếp về những gì đang diễn ra để sếp có thể có những điều chỉnh và hướng dẫn khi cần thiết.

4. Đề xuất các giải pháp bất cứ khi nào có thể

Bạn có thể đưa ra một vấn đề với sếp và hỏi ý kiến sếp về cách giải quyết. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn cho cả sếp và bạn nếu bạn nói: “Đây là vấn đề với X. Tôi đã nghĩ về A, B, và C, và cho rằng, chúng ta nên dùng cách C để giải quyết. Anh/chị thấy có ổn không?”

5. Nhận trách nhiệm về khuyết điểm của mình

Nếu một dự án không tiến triển tốt như mong muốn do lỗi của bạn, hãy nhận trách nhiệm trước khi sếp hỏi. Hãy bắt đầu cuộc nói chuyện với những câu như: “Nhìn lại, tôi thấy lẽ ra mình phải…” hoặc “Lần tới, tôi sẽ…”. Sếp sẽ thấy ấn tượng với cách hành xử này của bạn, và bạn cũng đang giúp sếp làm một phần công việc của sếp.

6. Tập trung vào những gì mà bạn có thể kiểm soát, thay vì những thứ bạn không thể kiểm soát

Tất yếu sẽ có những thứ liên quan tới sếp hoặc công việc của bạn khiến bạn cảm thấy bực mình vì bạn không thể thay đổi hay kiểm soát. Thay vì tập trung vào những thứ mà không thể làm gì nhiều (chẳng hạn việc sếp thường xuyên hủy cuộc họp hàng tuần của bạn với sếp), hãy nghĩ tới những thứ mà bạn có thể làm (chẳng hạn nói: “Tôi biết là anh/chị thực sự bận, nhưng liệu tôi có thể xin gặp anh/chị trong vòng 10 phút không?).

7. Sử dụng cách thức giao tiếp mà sếp ưa chuộng

Bạn là một người thích dùng email, nhưng sếp lại thích nói chuyện trực tiếp, bạn nên chọn cách nào? Đương nhiên là để “được lòng sếp”, bạn nên dùng cách giao tiếp mà sếp thích. Sẽ chẳng có ích lợi gì nếu bạn gửi một bức email dài tới một vị sếp chỉ thích trao đổi trực tiếp. Ngược lại, nếu sếp thích email, bạn sẽ trở thành người làm phiền nếu liên tục tới gặp sếp trực tiếp. Vì vậy, hãy chú ý xem sếp thích sử dụng cách thức giao tiếp nào để giao tiếp với sếp bằng chính cách đó.

8. Lên tiếng khi bạn cảm thấy không vui

Nếu bạn không vừa ý về một chuyện gì đó, hãy lên tiếng với sếp, nói về ảnh hưởng của vấn đề và thảo luận cách để tránh xảy ra việc tương tự trong tương lai. Dĩ nhiên, bạn cần một chút thông minh: đừng đưa ra vấn đề khi sếp đang bận rộn hay bực mình, và tốt nhất hãy nêu vấn đề sau khi bạn đã hoàn thành tốt và sớm một nhiệm vụ nào đó.

9. Đừng biến mọi chuyện thành vấn đề cá nhân

Sẽ có những lúc bạn có quan điểm khác biệt với sếp của mình. Trong những trường hợp đó, bạn nên ủng hộ những gì mình tin tưởng, và nếu bạn cho rằng sếp sai, một phần công việc của bạn là giải thích tại sao. Nhưng nếu rốt cục sếp vẫn chọn một hướng đi khác hoặc giữ vững quan điểm của sếp, bạn cần tiếp tục duy trì lập trường của bạn, nhưng đừng biến mọi chuyện thành vấn đề cá nhân và hãy giữ cái tôi của mình ở bên ngoài. Lúc này, bạn nên:

10. Lắng nghe lời phản hồi bằng thái độ cởi mở và không gay gắt

Việc bạn bất đồng quan điểm với sếp không phải là việc xấu, nhưng hãy thể hiện sự bất đồng đó bằng một thái độ nhẹ nhàng, không gay gắt. Chẳng hạn: “Tôi hiểu những gì anh/chị nói. Cách tôi nhìn nhận vấn đề này là…”. Và nhớ rằng, không phải là bạn đang ở tòa án và sếp không xem bạn như đang tự đứng ra bào chữa cho bản thân. Thay vào đó, sếp muốn tìm những dấu hiệu bạn đang lắng nghe và cân nhắc những gì sếp nói.

11. Đừng quên rằng sếp của bạn là con người

Sếp là một con người, vì vậy có những lúc sếp cáu, giận, căng thẳng, hoặc có lúc sếp muốn được người khác lắng nghe rằng sếp đã giải quyết tốt một công việc như thế nào. Thêm vào đó, nếu như bạn cảm thấy có những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa bạn với sếp, thì sếp cũng có thể có cảm nhận tương tự. Chẳng hạn, nếu bạn nhận một số nhiệm vụ trước đây vốn là của sếp, sếp sẽ không muốn nghe người khác nói rằng, những công việc đó thật tệ cho tới khi bạn đảm nhiệm, hoặc bạn đã giải quyết được tất cả mọi chuyện mà sếp không làm được. Nói cách khác, hãy cân nhắc kỹ.

12. Chủ động trong công việc được giao

Hãy nắm vững mọi việc đang diễn ra, nhớ rằng sếp chỉ có thể nói với bạn về mỗi công việc một lần, không để mọi việc trở nên lộn xộn, và hãy là một nhân viên mà sếp có thể tin tưởng. Khi một ai đó phàn nàn rằng họ bị quản lý cả những công việc nhỏ nhặt nhất, thì đó có thể do chính họ không chủ động nắm bắt và xử lý các công việc được giao. Bằng sự chủ động, bạn sẽ thấy làm việc với sếp thật thoải mái.

Phương Anh
Theo The Fast Track