Cách giới thiệu sở trường của bạn khi phỏng vấn xin việc
(Dân trí) - Trong khi phỏng vấn, có thể bạn nhận được câu hỏi về sở trường, thế mạnh của bản thân mình. Hãy trả lời nghiêm túc để nhà tuyên dụng thấy khả năng nhưng đừng tạo ra cảm giác khoe khoang, khoác lác.
Phỏng vấn xin việc luôn là thời điểm quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Thành công hay thất bại trong buổi gặp mặt sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai, nghề nghiệp sau này.
Nhiều người có năng lực tốt nhưng vẫn gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm bởi vì họ không hiểu rõ cách trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng, kể cả vấn đề dường như dễ nhất và thông dụng nhất: Sở trường của bạn là gì?
Họ cần gì ở bạn?
Lý do chính khiến người phỏng vấn đặt câu hỏi này là xác định xem thế mạnh của bạn có phù hợp với nhu cầu của công ty, tinh thần trách nhiệm trong công việc của bạn thế nào, liệu bạn có phù hợp với vị trí việc làm đang được phỏng vấn hay không.
Câu trả lời của bạn sẽ giúp nhà tuyển dụng quyết định liệu bạn có phải là ứng viên tốt nhất cho vị trí này hay không. Điều đó có nghĩa là nếu bạn đang nộp đơn cho vị trí kế toán thì việc “đánh bóng” khả năng tổ chức sự kiện sẽ không có ý nghĩa gì cả.
Do đó, vấn đề trọng là phải giới thiệu để người phỏng vấn biết rằng bạn có những phẩm chất mà công ty đang tìm kiếm. Sẽ có những sở trường mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng cần cho mọi vị trí việc làm, nhưng cũng có những ưu điểm đặc biệt phù hợp với một số công việc nhất định.
Cách trả lời câu hỏi “Sở trường của bạn là gì”?
Cách tốt nhất để trả lời là mô tả các kỹ năng và kinh nghiệm bạn có ở vị trí gần nhất với công việc bạn đang ứng tuyển. Hãy chuẩn bị câu trả lời bằng cách lập danh sách các bằng cấp được đề cập trong thông báo tuyển dụng và tuần tự thực hiện các bước sau:
- Liệt kê các kỹ năng của bạn phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Danh sách này có thể bao gồm trình độ chuyên môn đã được đào tạo, kỹ năng mềm, hoặc kinh nghiệm làm việc trước đây.
- Thu hẹp danh sách các kỹ năng của bạn xuống từ 3 đến 5 kỹ năng đặc biệt mạnh.
- Bên cạnh mỗi kỹ năng, đưa một ví dụ về cách bạn đã từng áp dụng sở trường đó trong công việc và kết quả đạt được.
Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị chu đáo trước câu hỏi về sở trường, thế mạnh khi đi phỏng vấn. Thông qua việc trả lời, bạn sẽ chia sẻ những điểm mạnh phù hợp với trình độ, năng lực mà công ty đang tìm kiếm.
Kỹ năng của bạn càng phù hợp với yêu cầu công việc, bạn càng có nhiều khả năng nhận được việc làm sau buổi phỏng vấn
Ví dụ về những sở trường của bạn
Không lập luận nào sinh động và rõ ràng hơn những ví dụ thực tế về sở trường của bạn, về những thành công mà bạn đạt được trước đây, tuy nhiên cần cẩn thận khi đưa ra ví dụ, tránh gây cho nhà tuyển dụng cảm giác bạn đang khoe khoang thành tích với họ. Dưới đây là một số gợi ý về cách trình bày sở trường do nền tảng tìm kiếm việc làm toàn cầu Indeep đưa ra.
1. Kỹ năng năng lãnh đạo: “Tôi có khiếu quản lý. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bán hàng, tôi luôn vượt KPI mỗi quý và được thăng chức 2 lần trong vòng 5 năm qua. Nhìn lại những thành công đó, tôi biết rằng không thể đạt được nếu không xây dựng và lãnh đạo nhóm làm việc bao gồm nhiều thành viên tài năng, có sở trường đa dạng. Tôi thường xuyên rèn luyện kỹ năng quản lý thông qua các buổi trao đổi thẳng thắn với nhóm của mình và tôi biết cần phải tiếp tục làm điều này để thực hiện tốt vai trò trong công việc mới”.
2. Kỹ năng hợp tác: “Tôi rất hợp tác với mọi người và luôn thích làm việc theo nhóm. Trong những nhóm tôi từng quản lý trước đây, các thành viên làm việc hiệu quả, ăn ý và có tinh thần sáng tạo. Ngay từ khi tôi bắt đầu quản lý nhóm, năng suất đã tăng lên 15% và duy trì mức 25% trong vòng 3 năm kế tiếp”.
3. Kỹ năng viết: “Tôi có kỹ năng viết rất tốt. Tôi đã làm copywriter 8 năm trong nhiều lĩnh vực và luôn đảm bảo sự chính xác về nội dung, số liệu, đồng thời luôn có sự sáng tạo trong các bài viết. Tôi đã học cách cân bằng giữa sự sáng tạo và phân tích. Đó là niềm đam mê cá nhân của tôi”.
4. Tính kiên trì: “Tôi là người kỹ lưỡng và nhẫn nại. Khi tham gia một dự án, tôi theo dõi cẩn thận các chi tiết. Tôi hiểu rằng, khi biết toàn diện về các thành phần bên trong, có thể phát hiện ra các yếu tố cần thiết cho công việc và nó sẽ giúp hoàn thành đúng kế hoạch. Đồng nghiệp và người quản lý của tôi thường khen ngợi về tính cách này”.
Nguyễn Hiếu
Tổng hợp