Cách đàm phán lương khiến nhà tuyển dụng hài lòng
Đàm phán lương đóng vai trò rất quan trọng trong buổi phỏng vấn tìm việc làm.
Nhưng ngay cả với những ứng viên có kinh nghiệm cũng không phải chuyện dễ dàng. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều chiếm ưu thế và lấn át ứng viên trong buổi phỏng vấn và cả việc đàm phán lương.
Vậy làm cách nào để đàm phán lương mà vừa được mức mình mong muốn vừa khiến nhà tuyển dụng hài lòng? Các chuyên gia tuyển dụng đưa ra những lời khuyên dưới đây để ứng viên có thể tham khảo nhằm có buổi phỏng vấn được "chốt" nhanh nhất có thể.
Đầu tiên, hãy tìm hiểu thật kỹ mức lương trên thị trường cho vị trí mà ứng viên đang ứng tuyển. Để thành công trong việc thương lượng lương, ứng viên cần phải hiểu rõ mức lương cho vị trí đó với số năm kinh nghiệm của mình thì thị trường đang được trả ở mức bao nhiêu.
Sau khi xác định được một vài con số, hãy tiếp tục tìm hiểu kỹ thêm thông tin về mức lương ở công ty đang ứng tuyển. Điều này sẽ khiến ứng viên dễ dàng đưa ra con số hợp lý, vừa phù hợp thị trường vừa phù hợp với công ty mà lại không thiệt thòi cho ứng viên.
Hãy nhớ rằng trong buổi phỏng vấn, ứng viên nên thuyết phục nhà tuyển dụng bằng năng lực trước khi đưa ra mức lương. Phần lớn những lời khuyên đều đưa ra là đừng chủ động đề cập mức lương với nhà tuyển dụng. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Nên nhớ ứng viên chỉ đề cập mức lương một khi đã thuyết phục được nhà tuyển dụng về khả năng của mình.
Nếu chưa đạt được điều đó hoặc trong buổi phỏng vấn nhà tuyển dụng vẫn chưa có ý định đó, ứng viên hãy tiếp tục thuyết phục họ bằng khả năng của mình cũng như những đóng góp cho công ty trong tương lai. Một khi nhà tuyển dụng cảm thấy ưng ý, tự họ sẽ nhắc đến vấn đề lương, thưởng.
Một lời khuyên chân thành với ứng viên rằng đừng tỏ ra quá khiêm tốn khi đưa ra mức lương mong muốn. Nhiều người nghĩ rằng tỏ ra khiêm nhường khi được hỏi về mức lương mong muốn sẽ làm hài lòng nhà tuyển dụng. Nhưng hãy cẩn thận, đưa ra mức lương thấp sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn không có năng lực. Hoặc nghĩ rằng bạn tìm được công việc tốt rồi không cần cân nhắc mức lương.
Như vậy, ứng viên cũng mất đi cơ hội đàm phán lương. Nếu muốn tăng mức thu nhập lên so với con số nhà tuyển dụng đưa ra thì hãy bắt đầu bằng tiền lương. Sau đó là tiền thưởng, thời gian nghỉ…
Trước tiên, dù chưa hài lòng nhưng cũng đừng tỏ thái độ. Thay vào đó, hãy cho họ thấy sự cảm ơn và tôn trọng. Qua đó, ứng viên sẽ lấy được cảm tình hơn trong quá trình trao đổi. Hãy đưa ra mức lương mong muốn. Sau đó phân tích cho nhà tuyển dụng thấy nó phù hợp với vị trí, chức năng công việc của bạn.
Đồng thời, hãy để nhà tuyển dụng thấy nó phù hợp với mặt bằng chung chứ không phải con số xa vời. Một cuộc đàm phán về quyền lợi đôi khi còn kéo dài hơn một cuộc họp quan trọng. Hãy biết kiên nhẫn, lắng nghe và dùng lý lẽ. Đừng chỉ lắc đầu nguây nguẩy với những gì nhà tuyển dụng đưa ra.
Cũng đừng vội gật đầu với mức lương nhà tuyển dụng đưa ra. Ở mỗi công ty đều có ngân sách riêng cho từng vị trí, tuy nhiên, thông thường các nhà tuyển dụng sẽ đưa ra mức thấp hơn con số đó cho lần thương lượng đầu tiên. Việc này khiến nhiều ứng viên bị hớ nếu đồng ý ngay.
Thay vì vậy, hãy tiếp tục thương lượng với họ để đạt được mức cao hơn, tất nhiên, bạn phải chứng tỏ được năng lực của mình xứng đáng để đạt đến con số đó. Nên chuẩn bị những mức lương khác nhau. Điều này là cần thiết bởi không phải mọi mức lương ứng viên mong muốn đều được đáp ứng.
Vậy nên, ứng viên hãy chủ động đưa ra cho mình khoảng 3 mức lương khác nhau để đàm phán nhiều lần với nhà tuyển dụng.
Cuối cùng, hãy chú ý những quyền lợi bên cạnh lương bổng. Ngoài mức lương, ứng viên cũng nên quan tâm đến những vấn đề khác bên cạnh như: môi trường làm việc, phụ cấp, chế độ thăng tiến, mức độ phát triển của công ty… để xem xét thêm.
Nếu mức lương không như mong đợi nhưng bù lại, bạn có thêm những phần trợ cấp hoặc có nhiều cơ hội cho sự thăng tiến của bạn thì cũng cần cân nhắc lại.