Cách "chung sống" với 5 kiểu sếp tồi

Bạn yêu công việc mình đang làm, mọi thứ từ chế độ đãi ngộ và đồng nghiệp đều rất tuyệt vời, thế nhưng chỉ mỗi sếp của bạn lại vô cùng “xấu tính”. Mặc dù bạn đã cố gắng hoàn thành công việc tốt nhất, sếp vẫn khiến bạn muốn “nổi khùng” vì những lý do vô cớ. Làm thế nào đây?

Đôi khi những khó khăn trong công việc không phải là điều khiến bạn stress, mà chính người hướng dẫn và quản lý bạn lại là nguyên nhân dẫn đến những bất đồng không đáng có. Nếu sếp bạn có nhiều hơn 1 đặc điểm sau đây thì hẳn bạn cần phải học ngay cách “chung sống với lũ”, nếu từ bỏ công việc không phải là lựa chọn của bạn.

Xem thường những ý kiến của nhân viên

Bạn thật may mắn nếu có những vị sếp luôn luôn khuyến khích nhân viên đưa ra ý tưởng đột phá và không cản trở sự sáng tạo của bạn. Thế nhưng, sẽ thật đáng tiếc nếu họ là người không chịu lắng nghe những sáng kiến của bạn, và hơn thế nữa là xem thường chúng.

Có khá nhiều người sếp luôn mang tâm lý “sợ bị nhân viên vượt mặt”. Thế nên họ sẽ không tạo cơ hội cho bất kỳ ý tưởng hay nào của nhân viên, hay thậm chí những ý tưởng đó còn bị sếp “đánh cắp”.

Cách "chung sống" với 5 kiểu sếp tồi - 1

Nếu gặp phải người sếp “đáng ghét” như vậy thì tốt nhất bạn đừng nêu lên ý kiến đóng góp khi chưa được hỏi. Ngoài ra, khi bạn muốn đóng góp ý kiến của mình cho dự án sắp tới của công ty hoặc cho phòng ban của mình thì hãy nêu lên trong những kỳ họp chung để mọi người cùng lắng nghe và công nhận đóng góp của bạn.

Thích giễu cợt và chăm chọc bạn trước mặt nhiều người

Không có bất kỳ nhân viên nào lại muốn mình bị bẻ mặt trước người khác. Tuy nhiên, vẫn có những người sếp thích châm chọc nhân viên mình trước đám đông chỉ để thư giãn cho mình.

Những trò đùa quá lố này nếu diễn ra một hoặc hai lần thì có thể mỉm cười cho qua, nhưng nếu nó vẫn cứ tiếp diễn thì bạn không thể “bình thường làm ngơ” được.

Nếu bạn đang là mục tiêu châm chọc của sếp thì đừng tạo cơ hội cho họ, bằng cách hạn chế xuất hiện cùng với họ chỗ đông người, hoặc luôn kiếm việc để làm, tỏ ra bận rộn khi họ có mặt.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp riêng sếp và nhẹ nhàng chia sẻ những cảm xúc của mình. Sếp có thể tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến của bạn, nhưng họ sẽ phải dè chừng và đắn đo hơn mỗi khi có ý định đem bạn ra giễu cợt trước đám đông.

Thường xuyên đưa ra những yêu cầu phi lý

Trước những dự án của bạn và cả nhóm, sếp luôn đưa ra những yêu cầu phi lý và không phù hợp với mục tiêu của công việc, vậy nên tiến độ công việc thường xuyên bị chậm trễ và thiếu hiệu quả. Những cuộc họp luôn diễn ra căng thẳng khi ai cũng uể oải và ngao ngán vì những quy định và yêu cầu vô lý từ sếp.

Khi tình trạng này tồi tệ hơn thì bạn nên hỏi ý kiến đồng nghiệp, những người cùng tham gia dự án với bạn. Nếu đa số đều không tán thành về những yêu cầu đó từ sếp thì hãy cùng nhau gặp riêng sếp, để nói lên những suy nghĩ cũng như mong muốn của cả nhóm.

Có thể sếp sẽ bỏ qua ý kiến cá nhân của bạn, thế nhưng sếp sẽ phải lắng nghe khi tất cả nhân viên đều cùng lên tiếng.

Có phúc cùng hưởng, có họa…tự lo

Sếp là người luôn xuất hiện mỗi khi được khen thưởng vì những thành quả của cả phòng cùng nỗ lực tạo nên, thế nhưng mỗi khi có vấn đề gì xảy ra hay công việc không mang lại kết quả tốt thì họ lại luôn đổ lỗi cho bạn và đồng nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Đây là kiểu sếp khó tin cậy và dễ khiến nhân viên thất vọng nhất. Khi gặp phải kiểu sếp này, bạn hãy tự rút kinh nghiệm cho mình bằng cách hạn chế mắc sai lầm trong bất kỳ dự án nào, luôn luôn đảm bảo chất lượng công việc.

Bên cạnh đó, trong các cuộc họp rút kinh nghiệm cùng với sếp và các cấp trên khác, bạn và đồng nghiệp hãy bày tỏ những khó khăn trong công việc. Qua đó phần nào cho thấy sếp bạn không hề làm đúng vai trò của một người quản lý và ngầm cho sếp hiểu được suy nghĩ của cả phòng.

“Bằng mặt nhưng không bằng lòng”

Trước mặt bạn, sếp luôn tỏ ra vui vẻ, hồ hởi, không bao giờ thẳng thắn nhận xét hay góp ý về cách làm việc của bạn. Tuy nhiên, bạn luôn nghe đồng nghiệp xung quanh nói lại rằng sếp thường đánh giá thấp khả năng của bạn. Hơn thế nữa, sếp không hài lòng với thái độ làm việc của bạn.

Phải nghe những đánh giá không tốt về năng lực của mình từ đồng nghiệp mà không phải trực tiếp từ sếp, ít nhiều bạn sẽ có tâm lý khó chịu và khó xử khi không biết nên đối diện với sếp ra sao. Đây là kiểu sếp thích nói sau lưng, không muốn giải quyết vấn đề trực tiếp với bạn, và càng tồi tệ hơn nếu bạn bị sa thải nhưng lại không hề biết được lý do.

Khi nhận ra được dấu hiệu như vậy từ sếp, hãy tìm cách nói chuyện riêng với họ, chia sẻ khéo léo những gì mình nghe từ người khác và mong muốn được sếp xác thực, cũng như đánh giá năng lực của mình. Ngoài ra, bạn hãy thể hiện thái độ chân thành và thiện cảm để không tạo không khí căng thẳng hay rào cản giữa bạn và sếp.

Trong môi trường công sở, nếu bạn gặp phải đồng nghiệp “khó ưa” thì có rất nhiều lựa chọn cho bạn để không phải đối mặt với họ, thế nhưng với sếp thì bạn cần phải tinh tế và khéo hơn rất nhiều. Thái độ bình tĩnh và tích cực sẽ giúp cho bạn có những cách “đối phó” đúng đắn với các kiểu sếp “xấu tính” như trên. Ngoài ra, bạn hãy chủ động lên tiếng, thẳng thắn nói lên suy nghĩ và mong muốn của mình để lấy lại được năng lượng và niềm vui trong công việc.

Theo Doanh nhân Sài gòn/HRInsider