Buồn vui ở “thủ phủ lá dong” Hà Nội

Đã có những lúc tưởng như lá dong, loại lá dùng để gói bánh chưng sẽ biến mất khỏi ngôi làng cổ hơn 600 năm tuổi Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội). Bởi, vài năm trước khi chúng tôi đến vùng đất ven đô này, những bãi bồi xưa người Tràng Cát trồng lá dong được thay thế bởi cam.


Lá dong vườn nhà anh Khương. Ảnh: H.P

Lá dong vườn nhà anh Khương. Ảnh: H.P

Thế nhưng, hôm nay trở lại đây, cây dong vẫn có sức sống mãnh liệt, đặc biệt khi Tết gần đến.

Nín thở vì cam… mất giá!

Tràng Cát thuộc xã Kim An, mảnh đất hàng trăm năm nổi tiếng trồng thứ lá dong đặc biệt để gói bánh chưng ở đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Theo Thần tích địa phương, vị tổ khai sáng làng trồng lá dong là cụ Đàn Sú đã lập làng cách đây 6 thế kỷ. Lá dong Tràng Cát xưa kia thường được tuyển chọn để gói bánh chưng dâng vua.

Ban đầu người dân trồng lá dong trong vườn nhà, đến năm 1992, khi Nhà nước áp dụng chính sách đất đai mới, bà con bắt đầu chuyển diện tích trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng cây lá dong, do đó diện tích trồng lá dong tăng đáng kể. Đã có thời điểm toàn bộ các hộ trong thôn Tràng Cát đều trồng cây lá dong, mỗi hộ từ 1 đến 2 sào, có hộ trồng tới 6-7 sào.

Lá dong ở Tràng Cát khác với các loại lá dong rừng và vùng khác. Lá thường to tròn và dai, mặt dưới của lá có màu xanh non, cuống lá dài và đồng màu với gân lá. Nếu dùng lá để gói bánh chưng sẽ cho bánh màu xanh tự nhiên rất đẹp mắt và có vị thơm hấp dẫn sau khi luộc chín.

Thế nhưng thời buổi kinh tế thị trường, những thứ không thể cho hiệu quả kinh tế lớn thì tất yếu phải “ra đi”. Nhiều hộ dân Tràng Cát bỏ lá dong, chuyển sang trồng cam Canh, loại cây được coi là “thời thượng”. Đã có những cái Tết vừa qua, làng lá dong đỏ rực màu cam và tấp nập người mua, người thu hoạch cam đi bán.

Theo người dân ở đây cho biết thì hiệu quả kinh tế giữa cam và lá dong khác nhau thấy rõ. Chăm bón tốt, mỗi năm lá dong cũng chỉ được 7 triệu đồng/ sào. Trong khi đó giống cam Canh chăm đến năm thứ 3 có thể thu về 70- 80 triệu đồng/sào/năm, gấp tới cả chục lần. Tuy nhiên, đó là phép tính của những năm cam được mùa.

Nhưng năm nay cam Canh của Tràng Cát bỗng nhiên rớt giá thê thảm khiến nhiều hộ nông dân trong làng đứng ngồi không yên. Một số hộ vừa chuyển đổi xong thì giá cam giảm, lãi chưa thấy đâu đã thấy lỗ nặng. Hiện nay, một kg cam chỉ bán được với giá từ 15.000 - 20.000 nghìn đồng trong khi năm trước trung bình 1kg có giá lên đến 40.000-50.000 đồng.

Ông Nguyễn Hữu Thành, một hộ dân đưa cam Canh về trồng thay cho dong từ năm 2009 cho hay, cam Canh vài năm trước đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn lá dong. Tuy nhiên, năm nay cam mất giá, chỉ bằng nửa các năm, lại còn bị thương lái ép.

Trong hoàn cảnh đó, những vườn lá dong chỉ còn được trồng trong khuôn viên nhà ở của các hộ gia đình vẫn tươi xanh, đã trở thành “cứu cánh” giúp người Tràng Cát có thêm thu nhập.

“Hồn cốt” làng ven đô trở lại

Anh Lê Văn Khương ở xã Kim An cho biết: “Trồng lá dong dễ, chăm dễ và không lo mất mùa hay được mùa. Những năm vừa qua, những nương cam cho hiệu quả kinh tế hơn hàng chục lần. Tuy nhiên, người Tràng Cát nói riêng và toàn xã Kim An nói chung vẫn không bỏ hẳn cây dong. Có chăng, chỉ thu nhỏ diện tích. Nhưng những ngày này, những đoàn xe tấp nập vào làng, không chỉ chở cam mà còn là lá dong. Lá dong chúng tôi đi khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận”.

Thời điểm này năm ngoái một bó lá dong (100 lá) có giá dao động từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng, đến cận Tết khi nhu cầu cao hơn lá dong tăng lên đến 100.000 đồng/bó. Nhưng năm nay, một bó lá dong (100 lá) đang có giá từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng. Nhiều hộ ở trong làng đang đợi đến những ngày giáp Tết để bán cho được giá. Những lá to đẹp nhất gọi là “lá lọc” bán khoảng 150.000 đồng/100 lá.

Lá dong Tràng Cát Kim An đi khắp các thị trường, từ Hà Nội và vùng lân cận, tới các vùng phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Thậm chí, lá dong nơi này còn được xuất khẩu phục vụ nhu cầu Tết của bà con Việt kiều ở các nước Nga, Đức và một số nước Đông Âu khác.

Vườn lá dong nhà  bà Nguyễn Thị Tuyên những ngày này tất bật khách đến mua lá để về làm nguyên liệu gói  bánh chưng cho ngày Tết. Do nhu cầu tiêu thụ trong dịnhjtp Tết lớn, cả tháng này bà Tuyên đã  rất vất vả trong việc cắt lá, xếp lá để mang bán, phục vụ thị trường.

Lá dong dẫu không phải cho thu nhập lớn song là “phần hồn” không thể thiếu của những chiếc bánh chưng ngày Tết của dân tộc và là một thứ “đặc sản” của Tràng Cát. Bởi, từ bao lâu nay, người xứ Bắc vẫn coi Tràng Cát là “thủ phủ lá dong”, những con người và cánh đồng lá dong là nơi khởi nguồn làm nên “phần hồn” ấy.

Những ngày này, các chiếc xe chuyển lá dong vẫn hối hả đưa lá dong Tràng Cát đi khắp nơi, báo hiệu cái Tết đang đến gần. Người ta nhớ đến lá dong nơi đây, như một dấu ấn Tết kinh kỳ văn hiến mà trên cả hiệu quả kinh tế là hồn cốt, là sự ổn định của nó. Thế nên, những tấm lá dong vẫn đủ sức níu giữ người đã từng gắn bó với nó như hy vọng ngôi làng cổ đẹp ven đô sẽ không mất dấu ấn mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Ai cũng biết, cây lá dong Tràng Cát đặc biệt bởi vùng đất này nằm trong vùng bãi bồi của sông Đáy, có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua nên lá dong to, mượt mà, gói bánh chưng dễ đẹp mà cho màu sắc ưng mắt. Còn nữa, trồng lá dong lại không mất nhiều vốn, chỉ cần lấy gốc của cây để trồng một lần là cho thu hoạch nhiều năm.

Theo Báo Gia đình và xã hội