Buồn, vui những chàng trai PB
(Dân trí) - Những chàng trai có khuôn mặt ưa nhìn, chiều cao lý tưởng được lựa chọn làm PB (Promotion boys) chở các PG (Promotion girls) đi dạo phố, quảng bá thương hiệu cho các mặt hàng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, các PB nhiều khi cảm thấy “tủi thân” vì ít khi được nhắc đến.
Part - time hấp dẫn
Tuấn Anh là thành viên của một tuyển thủ bóng rổ, cao 1m82, nhìn rất cuốn hút. Nhân viên phụ trách mảng PR của một công ty truyền thông rất muốn những chàng trai như vậy tham gia vào event quảng bá cho một cửa hàng kinh doanh xe Aprilia, một nhãn hiệu xe của Ý tại Việt Nam. Vấn đề là cậu không biết đi xe côn tay trong khi đây là những chiếc xe thể thao 125cc khá đồ sộ (Aprilia RS). Cuối cùng thì Tuấn Anh đã bỏ ra vài ngày để tập cho quen điều khiển xe thể thao và tham gia vào chương trình này.
Lại Trà My, từng phụ trách mảng PR của LobbyComm cho biết: “Tuyển PB thường dễ hơn PG vì PG có nhiều đòi hỏi khắt khe hơn về ngoại hình, chiều cao… Thực tế một chương trình thành công là nhờ PG bắt mắt và hoàn thành tốt công việc của mình nhiều hơn là PB. Tuy vậy PB phải có một gương mặt ưa nhìn và chiều cao lý tưởng để không bị “lép vế” so với các PG.
PB thì chủ yếu là do kênh bạn bè của chính các PG giới thiệu. Trà My đã từng tổ chức một event cho tòa nhà Ruby Plaza khi khai trương mà các PB là hơn chục các chàng trai cùng nhóm chơi Vespa cổ tại Hà Nội.
Và những rắc rối nho nhỏ
Nhiều PG rất ngại đi làm vì sợ mang tiếng là “gái hóng đường, ăn mặc hở hang, phấn son lòe loẹt”. Nhưng với PB thì không, may ra thì sợ bạn gái ghen tị vì thấy mình đèo người khác “tung tăng” giữa phố hoặc ngại ngại bạn bè bắt gặp vì “thiếu tiền đâu mà phải đi làm như thế này”. Huy Thái cho biết: “Ban đầu khi làm chương trình em còn mang cái kính râm to đùng đi theo chứ đến lần thứ hai cũng thành quen và thấy nó cũng đơn giản”.
Tiến Minh là sinh viên Genetic và cậu kể về kỉ niệm về road show với Vespa cổ trong event của L’oreal: “Lần đó bọn mình rất đẹp, nam mặc đồng phục trắng và nữ thì mặc váy, đi Vespa màu đỏ. Sáng vừa đi diễu phố thì tối đã nhìn thấy mình trên ti vi vì vi phạm luật giao thông”. Hôm sau quản lý chương trình “siết quân luật”, đi thành hai hàng và với tốc độ chậm mà Vespa đi quá chậm thì chẳng khác gì cực hình vì vừa phải chỉnh xe vừa phải bóp côn rất đau tay.
PG và PB thường rất dễ chịu với nhau, PG có thể thắt caravat cho PB và PB cũng cực kì tâm lý. Tại mỗi chỗ dừng để PG đi bộ phát tờ rơi, PB cũng có thể tạt qua chỗ nào gần đó mua cốc trà sữa cho PG và đôi khi nó là bắt đầu cho một tình cảm đẹp.
Một số bạn khác làm PB nhưng không phải là road show mà làm những event cố định thì cũng khá mệt. Năm ngoái Đức Tiến (20 tuổi) phải đóng giả ông già Noel để phát quà cho trẻ em tại triển lãm Giảng Võ. “Đứng cả ngày trời với bộ quần áo nặng nề trên người, chỉ muốn nằm bệt ra đất thôi… cũng may là không phải đi guốc cao như các bạn nữ” - Tiến chia sẻ.
Mỗi ngày, một PB được trả khoảng 200.000 đồng thù lao. Thông thường mỗi road show sẽ đi khoảng 4 ngày. 800.000 có thể làm được khá nhiều thứ đối với một bạn trẻ nhưng dù sao đây cũng chỉ là việc làm “thời vụ” mà thôi. Thế nên chẳng có chàng trai nào làm PB mà tự tin rằng mình sẽ giàu có với nghề này cả.
Cường Cao