Bùng nổ nạn buôn người lao động di cư ở Brazil

Nhiều sự kiện lớn như Thế vận hội mùa hè 2016 đòi hỏi các công trình xây dựng ở Brazil phải tăng tốc để đảm bảo tiến độ. Nhưng điều đó cũng khiến cho nhiều người vì cần việc làm mà bị đẩy vào thị trường buôn người lao động.

Sự phát triển nhanh chóng của các thành phố lớn ở Brazil đã thu hút làn sóng người di cư từ nông thôn hay các quốc gia lân cận như Bolivia, Colombia, Venezuela và Peru
Sự phát triển nhanh chóng của các thành phố lớn ở Brazil đã thu hút làn sóng người di cư từ nông thôn hay các quốc gia lân cận như Bolivia, Colombia, Venezuela và Peru

Những câu chuyện thương tâm

Hai năm trước, một người đàn ông bị bán vào làm việc tại công viên Olympic. Công ty xây dựng không trả tiền như đã hứa và để người đàn ông này sống trong điều kiện vô cùng tồi tệ. Những thành viên trong nhóm hoạt động nhân quyền của bà Guadalupe Couto đã giải cứu và mua vé cho người này trở về quê nhà. Bà Couto nói rằng, khi mọi người cần việc làm, thiếu nghiên cứu tình huống kỹ lưỡng, họ có nguy cơ bị buôn bán vào thị trường lao động.

Carmen Lopes, một cô gái sống ở La Paz, Bolivia kể lại, anh trai một người bạn nói cô có thể kiếm được nhiều tiền từ ngành công nghiệp dệt ở São Paulo. “Tôi muốn thay đổi cuộc đời mình và quyết định đưa cậu con trai 8 tuổi đến biên giới. Người Bolivia có thể làm việc hợp pháp tại Brazil vì thỏa thuận thương mại được ký kết giữa các quốc gia Nam Mỹ. Tuy nhiên, khó khăn ở đây là rào cản ngôn ngữ”, Lopes cho biết.

“Ông chủ nói rằng, tôi phải làm việc 4 tháng không lương để bù lại khoản tiền đi lại của hai mẹ con tôi từ Bolivia đến Brazil mà ông chi trả. Ông cho hai mẹ con tôi sống trong một căn phòng tồi tàn và cảnh báo, những công việc khác trong thành phố đều không an toàn. Ông chủ buộc con trai tôi phải làm việc trong nhà bếp. Cuối cùng, lấy hết can đảm, tôi dẫn con trai bỏ trốn”, Lopes nói tiếp. Các chuyên gia ở Brazil lo ngại rằng, câu chuyện của Lopes sẽ ngày càng trở nên phổ biến.

Buôn bán người lao động đã xảy ra ở mọi lĩnh vực khi các thành phố của Brazil bùng nổ, thu hút làn sóng người di cư từ nông thôn hay các quốc gia lân cận. “Bảo vệ người lao động là câu chuyện nóng bỏng ở Brazil hiện nay. Sự lạm dụng lao động thường xảy ra với những trường hợp mà chúng ta không nhìn thấy được. Cần có những cuộc kiểm tra đột xuất và bất ngờ vào các công ty có sử dụng lao động”, Fabiana Severo, chuyên gia bảo vệ người lao động nhận định.

Đào tạo kỹ năng cho người lao động

Một trung tâm đào tạo kỹ năng, trang bị những kiến thức cần thiết cho người lao động di cư trước khi bước vào thị trường lao động tên là CAMI (Center for Attendance of Migrants) đã được thành lập ở São Paulo. "Người lao động hoàn toàn có quyền quyết định công việc của mình. Nếu bị bóc lột sức lao động, họ có thể bỏ việc. Ở CAMI, người lao động được đào tạo kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và tư vấn công việc phù hợp với nhu cầu thị trường”, bà Severo nói.

Bà Severo cho biết thêm, một chương trình tương tự như CAMI đã được triển khai thành công ở Ấn Độ, nơi mà gần đây, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Harvard đã khẳng định, nhờ mô hình này mà tình trạng lao động cưỡng bức ở một tiểu bang Ấn Độ đã giảm đáng kể.

Sau khi cùng con trai rời khỏi nhà ông chủ, Lopes đã tìm đến CAMI. Tại đây, cô được tư vấn học nghề may trong khi con trai được học tiếng Bồ Đào Nha. Giờ đây, Lopes đã có thể mở một cửa hàng may riêng tại São Paulo, đồng thời, trở thành một chuyên gia tư vấn của CAMI. Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên báo chí, khi được hỏi về CAMI, các tình nguyện viên đồng thanh hô vang: “Đó là sự đoàn kết”.

“Tình trạng buôn người lao động từ nông thôn ra các thành phố lớn ở Brazil vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Các cơ quan chức năng Brazil đã điều tra hơn 4.000 trường hợp buôn bán người lao động trong năm 2014 - 2015, nhiều hơn bất kỳ loại hình buôn bán người nào khác”.

Guadalupe Couto, (Chuyên gia chống các vi phạm lao động, Chính phủ Brazil)

Theo An ninh Thủ đô