Bức xúc vấn đề nhà ở cho công nhân
(Dân trí) - Hiện cả nước có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc tại các KCN, trong đó, 70% là người ngoại tỉnh và có nhu cầu thuê nhà ở. Nhưng hiện các KCN mới chỉ đáp ứng được khoảng 10%, trên 90% vẫn đang phải đi thuê.
Theo báo cáo của các địa phương tại hội nghị cho biết: Hiện cả nước có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc tại các KCN trong cả nước, trong đó 70% là người ngoại tỉnh đến làm việc và có nhu cầu thuê nhà ở. Nhưng hiện Nhà nước và các doanh nghiệp (DN) mới chỉ đáp ứng được từ 7- 10% nhu cầu về chỗ ở, trên 90% số lao động còn lại hiện vẫn phải thuê nhà trọ của các hộ dân.
Thống kê của ngành chức năng dự kiến cho thấy, tổng số công nhân (CN) lao động tại các KCN trong cả nước đến năm 2015 là 4 triệu người và đến năm 2020 là 6 triệu người. Về nhà ở hiện mới có 20% CN các KCN có chỗ ở ổn định, còn khoảng 80% phải thuê nhà ở trọ chật chội và thiếu tiện nghi.
Địa phương nào cũng “kêu” thiếu…
Theo đại diện BQL các KCN tỉnh Lâm Đồng, nhu cầu chính đáng về nhà ở của CN làm việc tại các KCN hiện nay đang là vấn đề bức xúc và gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.
BQL các KCN tỉnh Lâm Đồng cho hay, từ nay đến năm 2015, dự báo tại các KCN trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 17.000 lao động có nhu cầu bố trí nhà ở. Tuy nhiên, hiện nay các DN chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho CN vì xây dựng nhà ở đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, sinh lời thấp do đó hiệu quả đầu tư không cao. Các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, thuế…lại chưa đủ hấp dẫn để thu hút các DN, nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia xây dựng nhà ở CN ở KCN.
BQL các KCX TPHCM cho biết, TPHCM có hơn 260.000 lao động đang làm việc tại các KCN- KCX. Trong đó, lao động từ các tỉnh đến làm việc chiếm hơn 70%. Dù thời gian qua, TPHCM đã có chương trình xây dựng nhà lưu trú cho CN nhưng các khu lưu trú tập trung hiện nay cũng chỉ đáp ứng 3% nhu cầu. Do đó, phần lớn CN phải thuê phòng ở tại các khu nhà trọ của hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng gần các KCN.
Lãnh đạo TPHCM cũng đã có vận động chủ nhà trọ không tăng giá thuê, ưu đãi tiền điện nước nhưng nhiều khu nhà trọ hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn: thiếu ánh sáng thông thoáng, diện tích chật hẹp, chưa đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thiếu trang thiết bị, cấp nước, thoát nước đều kém, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, các tiện ích để sinh hoạt văn hóa- giải trí còn thiếu thốn….
Theo BQL các KCX TPHCM, khó khăn lớn nhất hiện nay của các KCN- KCX là thiếu quỹ đất dành cho xây dựng nhà lưu trú cho CN. Nguyên nhân do giai đoạn đầu khi hình thành và phát triển KCN, việc quy hoạch khu lưu trú CN và các công trình phúc lợi xã hội phục vụ CN chưa được quan tâm chú trọng.
BQL các KCX TPHCM cũng dự báo cho hay đến năm 2015, số CN có thể sẽ tăng hơn 500.000 người, số CN có nhu cầu về nhà ở khoảng 40% (200.000 người) vì thế nhu cầu về nhà ở của CN là rất lớn.
Ông Phạm Tiết Khoa - phó Trưởng ban BQL KKT tỉnh Trà Vinh, trong báo cáo của mình cho rằng: Thời gian qua Trung ương và các tỉnh đều có chủ trương xây dựng nhà ở cho CN, cũng đã đáp ứng một phần nào đó nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắt.
Theo ông Khoa, nguyên nhân do trong quá trình xây dựng phát triển KCN, chủ đầu tư và cơ quan thẩm định không quy hoạch đất để làm nhà ở, Nhà nước không đầu tư vốn xây dựng nhà ở cho CN lao động các KCN mà chỉ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo phương thức xã hội hóa.
Ông Khoa cũng nhận định, việc vay vốn với lãi suất ưu đãi còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế thủ tục và các chích sách chưa đủ sức hút DN đầu tư xây dựng. Một thực trạng hiện nay nữa là một số khu nhà xây xong lại không thu hút được CN vào ở do thu nhập của CN thấp và không ổn định, giá thuê cao hoặc quản lý gắt gao…
Còn theo đại diện tỉnh Kom Tum, ông Nguyễn Trọng Hảo - Trưởng ban BQL KKT tỉnh Kom Tum, đánh giá: Đa số người lao động từ các tỉnh khác đến nên phải thuê nhà trọ của hộ dân để ở và sinh hoạt, nơi ở còn phân tán, rải rác không tập trung. Nhiều phòng trọ chật hẹp, thực tế có phòng chỉ từ 9- 10m2 nhưng lại có đến 3- 4 người ở, giá thuê phòng cao, tiện nghi sinh hoạt thiếu thốn…
“Những điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe, phát triển tâm sinh lý con người, thậm chí gây ra một số vấn đề tệ nạn xã hội, gây mất trật tự an toàn nơi cư trú…” - ông Hảo bức xúc.
Đại diện BQL các KCN tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, cho biết: Nhiều DN và các hộ gia đình cá nhân tự đầu tư xây dựng với chất lượng và tiện nghi cao để bán theo giá kinh doanh, chưa quan tâm đến phát triển các loại nhà ở có giá cả hợp lý để bán trả góp hay cho thuê dành cho các đối tượng cho thu nhập thấp. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp tích cực hỗ trợ hợp lý về chỗ ở của CN trong tình hình hiện nay là rất bức xúc, đòi hỏi Nhà nước và các DN cùng quan tâm.
Nhiều giải pháp nhưng đến khi nào?
Ông Nguyễn Trọng Hảo cho rằng, khi quy hoạch về việc xây dựng các KCN thì phải có quy hoạch đất dùng cho việc xây nhà ở CN theo tỷ lệ % trong tổng số diện tích đất được quy hoạch.
Dự án xây dựng nhà ở cho CN tại các KCN cần được đưa vào dự án ưu tiên đầu tư, bố trí một phần vốn ngân sách Nhà nước làm đối ứng trong kêu gọi đầu tư. Không chỉ thế, ngoài nhà ở thì cần quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống công trình phúc lợi, hạ tầng xã hội như: đường, điện, trường học, bệnh viện, chợ, khu vui chơi giải trí…gần khu nhà ở CN để tạo điều kiện cho người lao động ổn định lâu dài, nuôi dạy con cái, an tâm làm việc.
Trong khi đó, theo BQL các KCN tỉnh Lâm Đồng, nếu thấy hiệu quả đầu tư chưa cao nên khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, có thể sử dụng một phần ngân sách Nhà nước đặt hàng các DN xây nhà cho CN thuê theo quy định.
Còn theo BQL các KCX TPHCM thì cần tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi về thuế đối với dự án xây dựng nhà ở cho CN như áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 0%, miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm; cần kéo dài thời gian cho vay ưu đãi lãi suất tối đa 15 năm cho các dự án xây dựng nhà lưu trú CN.
Ông Phạm Tiết Khoa - phó BQL các KCN tỉnh Trà Vinh, thẳng thắn: đề nghị các địa phương phải có quy hoạch, bố trí đất sạch để xây dựng nhà ở cho CN và bắt buộc các đơn vị sử dụng lao động phải xây dựng nhà ở cho CN.
Theo BQL KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhà nước cần tăng cường quy định về chế tài đủ mạnh trong các văn bản pháp luật để buộc các DN phải thực hiện tốt các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Huỳnh Hải