1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Bới cát nuôi loài cá đen, người nông dân bắt sa mạc "nhả"... vàng trắng

Hoài Sơn

(Dân trí) - Có niềm đam mê chăn nuôi từ nhỏ, anh nông dân Nguyễn Kim (45 tuổi) đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để bới cát làm ao, trải bạt nuôi loài cá lóc trên vùng đất ví như sa mạc ở Quảng Nam.

Cá lóc sa mạc

Vùng đất cát phía Đông huyện Thăng Bình được ví như sa mạc thu nhỏ ở Quảng Nam, bởi phần lớn diện tích bao phủ bởi cát trắng. Với khát vọng làm giàu, anh Nguyễn Kim (trú tại xã Bình Dương) đã mạnh dạn bới cát lên, trải bạt làm hồ và đầu tư khoan giếng nước để nuôi cá lóc.

Bới cát nuôi loài cá đen, người nông dân bắt sa mạc nhả... vàng trắng - 1

Anh Nguyễn Kim đã mạnh dạn bới cát lên, trải bạt và đầu tư giếng nước để nuôi cá lóc.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi cá lóc, anh Kim chia sẻ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên máu chăn nuôi đã ngấm vào người anh từ nhỏ. Đến khi trưởng thành, lập gia đình, anh bắt đầu tập tành nuôi heo, gà để trang trải cuộc sống.

Đến năm 2017, trong một lần tình cờ biết đến loài cá lóc đầu nhím, anh lên mạng tìm hiểu kỹ thuật nuôi và lặn lội đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình, hồ nuôi thành công trên địa bàn tỉnh.

Bới cát nuôi loài cá đen, người nông dân bắt sa mạc nhả... vàng trắng - 2

Hiện nay, anh đã có 11 ao đang hoạt động, mỗi ao có diện tích 60 m², với số lượng cá 15.000 con/ao.

Sau khi đã có một số kinh nghiệm, anh bàn với vợ rồi bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi cá lóc trên chính vùng đất khô cằn, đầy cát ở sau nhà. Anh dùng bạt trải lót trên nền cát để giữ nước, rồi xây gạch bao quanh thành bờ ao.

"Lúc đó, vốn đầu tư để xây 2 ao là 200 triệu đồng. Lo xong phần ao nuôi, tôi vào nam mua 20.000 con cá giống về nuôi thử nghiệm", anh Kim nói.

Bới cát nuôi loài cá đen, người nông dân bắt sa mạc nhả... vàng trắng - 3

Ao được xây dựng trên mặt cát bằng phẳng, đầm nện kỹ, sau đó được lót bạt cao su hai mặt.

Thời gian đầu, dù tự tin với những kỹ thuật nuôi cá lóc tích lũy được sau nhiều năm học hỏi, anh Kim vẫn cẩn thận, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm vì lo ngại môi trường khí hậu khắc nghiệt của "sa mạc" Thăng Bình.

Hàng ngày, anh quan sát tỉ mỉ từng dấu hiệu, phản ứng của đàn cá với điều kiện nuôi. Sau 7 tháng nuôi, vụ cá đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi.

Nuôi cá lóc giữa cát trắng sa mạc, anh nông dân thu lãi trăm triệu mỗi năm

Thấy hiệu quả tốt, anh Kim đã quyết định nhân rộng quy mô nuôi. Đến nay, trại cá của anh đã có 11 ao đang hoạt động, 2 ao đang xây, mỗi ao có diện tích 60m², với số lượng cá 15.000 con/ao.

"Nuôi cá lóc ở vùng đất cát này tuy khó nhưng đổi lại rất ít bị ngập lụt và có thể chủ động được nguồn nước, đồng thời kiểm soát được bệnh của cá nên ít gặp rủi ro. Khâu quan trọng để quyết định đến hiệu quả chính là nguồn nước, mỗi ngày phải thay nước cho cá một lần", anh Kim chia sẻ.

Đất cằn "nhả" bạc trắng

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lóc, anh Kim cho biết, so với nuôi cá lóc trong bể xi măng thì mô hình nuôi cá lóc trên ao lót bạt ở vùng đất cát này có chi phí đầu tư thấp hơn, giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Bới cát nuôi loài cá đen, người nông dân bắt sa mạc nhả... vàng trắng - 4

Ngoài ra phải đầu tư hệ thống xử lý nước để tránh gây ô nhiễm.

Vật liệu xây ao là bạt cao su hai mặt, dây buộc, lưới, ống nhựa… ao nuôi xây dựng trên mặt bằng phẳng, đầm nện kỹ. Ao lót bạt cần đặt ở nơi thông thoáng, thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý, hạn chế chấn động.

Nền ao có độ dốc nghiêng về phía ống thoát nước để dễ loại bỏ các chất cặn bã trong bể khi thay nước. Phải trải qua nhiều đợt xả súc bạt để loại bỏ cặn còn lại trong ao nuôi trước khi đưa cá vào.

Bới cát nuôi loài cá đen, người nông dân bắt sa mạc nhả... vàng trắng - 5

Thức ăn chủ yếu của cá lóc là bột công nghiệp và bổ sung thêm đạm bằng cá tạp.

"Còn thức ăn chủ yếu của cá lóc là bột và bổ sung thêm cá tạp. Hiện với hơn 150.000 con cá, mỗi ngày tôi tiêu tốn gần 7 triệu đồng tiền bột và hàng trăm kg cá tạp", anh Kim nói.

Anh Kim chia sẻ thêm, cá được nuôi trong vòng 8 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng mỗi con từ 0,8-1 kg. Cá sẽ được các thương lái từ các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh đến tận hồ thu mua nên tiết kiệm được khoản chi phí vận chuyển.

Bới cát nuôi loài cá đen, người nông dân bắt sa mạc nhả... vàng trắng - 6

Hàng ngày, anh Kim quan sát tỉ mỉ từng dấu hiệu của đàn cá để có những điều chỉnh phù hợp.

"Trung bình mỗi tháng gia đình tôi xuất bán 4 tấn cá lóc với giá dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Một năm, trại của tôi có thể cho ra thị trường hơn 40 tấn cá. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm", anh Kim bộc bạch.

Bới cát nuôi loài cá đen, người nông dân bắt sa mạc nhả... vàng trắng - 7

Cá được nuôi trong vòng 8 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng mỗi con khoảng 0,8 -1 kg.