Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Thể chế là mốc son của nhiệm kỳ 2016-2020..."
(Dân trí) - "Thể chế là kết quả nổi bật nhất của nhiệm kỳ 2016-2020. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho toàn ngành hoạt động, đáp ứng sự phát triển đặc thù và sát sườn của ngành với đời sống người dân…".
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng thể chế của Ngành trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2026. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 21/1 tại Hà Nội.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016-2020, chỉ tính riêng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã chủ trì soạn thảo, ban hành và trình ban hành một khối lượng văn bản lớn, gồm: 3 luật, 1 pháp lệnh, 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 40 nghị định; 7 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 132 thông tư.
Đánh giá tổng quát nhiệm kỳ vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, công tác xây dựng thể chế là thành tựu nổi bật nhất trong các thành tựu của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong 4 năm qua.
"Những công việc về xây dựng thể chế của Bộ đã góp phần cụ thể hóa một phần chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, làm cho người dân thụ hưởng tốt nhất thành tựu của sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế. Qua đó, thực hiện tốt Điều 34 của Hiến pháp về người dân có quyền hưởng thụ chính sách an sinh xã hội" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ Luật Lao động năm 2019 là ví dụ cụ thể. Trước đây, Bộ Luật Lao động năm 2012 chỉ tác động tới nhóm đối tượng 20 triệu lao động có quan hệ lao động.
Trong giai đoạn này, Bộ cũng đã tham mưu, trình phê chuẩn 4 Công ước của ILO bao gồm: Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ việc làm; Công ước số 159 về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật; Công ước số 98 về thương lượng tập thể, Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
"Nhưng với Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021, phạm vi tác động đã vươn tới hơn 54 triệu lao động trong cả nước, bao gồm cả đối tượng không có quan hệ lao động" - Bộ trưởng cho biết.
Quan hệ lao động tiền lương đã thay đổi hoàn toàn. Trước đây, thang, bảng lương do Nhà nước quy định cho doanh nghiệp. Nhưng với Bộ Luật lao động 2019, Nhà nước không can thiệp. Thang bảng lương do doanh nghiệp chủ động ban hành.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định "sàn" thấp nhất vẫn do Nhà nước ban hành, đó là: Mức lương tối thiểu dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mức lương này sẽ là căn cứ thấp nhất để người sử dụng lao động và người lao động đàm phán.
Đồng thời, các về vấn đề tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, điều chỉnh tuổi hưu, giải quyết tranh chấp lao động…đã được xử lý tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội. Đây là những vấn đề rộng và tác động tới đông đảo tầng lớp người dân, nhiều vấn đề chưa từng có tiền lệ nhưng với sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp có thẩm quyền, Ủy ban thường vụ Quốc hội và công tác tuyên truyền... đã tạo sự lan tỏa tới toàn xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Việc xây dựng thể chế không chỉ đáp ứng yêu cầu của người dân và thị trường lao động mà còn mở đường để hội nhập, phù hợp với những tiến bộ và cam kết quốc tế…".
Bên cạnh đó, Dự án về Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) là những nhiệm vụ xây dựng thế chế lớn đã được Bộ LĐ-TB&XH thực hiện thành công.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc xây dựng dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội là nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước: "Tất cả người có công với cách mạng và thân nhân đều được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định".
Về dự thảo Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi cũng là câu chuyện khác biệt của quan điểm từ nhiều đại biểu quốc hội.
"Đơn cử như có đại biểu Quốc hội hỏi đánh giá của tôi về kết quả 18.000 lao động ở 4 tỉnh miền Trung đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi xảy ra sự cố Formosa. Tôi cho rằng đây chỉ là việc giải quyết mang tính chất tình thế, tạm thời. Còn giải pháp lâu dài vẫn phải là ổn định đời sống cho người dân với những chiến lược biển, trong đó có đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Việc thông qua các Công ước 98 và 105 liên quan tới lao động đã mở đường cho Việt Nam trong đàm phán việc gia nhập các Hiệp định thương mại quốc tế như EVFTA và CPTTP.
Bộ trưởng chia sẻ: "Trong xây dựng chính sách, việc ý kiến khác nhau là điều dễ nhận thấy. Nhưng trong quá trình chuẩn bị, chúng ta phải rất lắng nghe, tôn trọng nhưng cần đặt mục tiêu lớn nhất của người dân, doanh nghiệp lên trên. Từ đó tạo sự đồng thuận và tìm ra các giải pháp cách đảm bảo hài hòa".
Nhiều nhiệm vụ đổi mới, phát triển giai đoạn 2021-2026
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, giai đoạn 2021-2026, hoạt động của ngành cần hướng tới tiêu chí đoàn kết, kỷ cương, đổi mới và phát triển. Điều này đòi hỏi về chất nâng cao rất nhiều.
Bộ trưởng lưu ý: "Muốn vậy, chúng ta cầm bám sát các mục tiêu tổng quát, từ đó mới ra được các công việc trong xây dựng thể chế".
Nhiệm vụ hàng đầu giai đoạn 2021-2026 của Bộ trong thời gian tới là hình thành thị trường lao động lành mạnh và ổn định. Đồng thời, Bộ cần chú trọng nhiệm vụ tới đây là xây dựng đề án sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội với thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/T.W của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện thời gian tới, nhất là khu vực chính thức.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý việc chuẩn nghèo mới, nghị định về sửa đổi về chính sách xã hội, nghị định về người có công với cách mạng, nghị định về tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, đề án tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-T.W, các nghị định liên quan tới Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)…